Nỗ lực để hàng Việt đứng vững trên thị trường

12/07/2016 6:19 PM

(Chinhphu.vn) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, để hàng Việt đứng vững trên thị trường, đòi hỏi các ngành chức năng cần nỗ lực nhiều hơn để người dân tiếp tục tin dùng hàng Việt.

Ảnh minh họa

Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Cuộc vận động, ngay từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội đã tích cực tuyên truyền cuộc vận động tới người tiêu dùng qua nhiều hình thức; đồng thời, đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tâm lý sính hàng ngoại trong xã hội.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức thực hiện CVĐ đã tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng. Người tiêu dùng đã ý thức trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng nội địa khi mua sắm, tỉ lệ sử dụng hàng trong nước tại các công sở, cơ quan tăng rõ rệt, đã tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.

Các doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Lê Thị Kim Oanh, việc triển khai cuộc vận động đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả ban, ngành, đoàn thể, nhưng thực tế mới thấy nỗ lực ở một vài đơn vị, cho nên hiệu quả không cao như mọi năm. Thậm chí, nhiều đơn vị còn không gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo. Nhiều quận, huyện chưa tích cực tham gia, không tuyên truyền, vận động bằng trực quan, như treo băng-rôn, khẩu hiệu, chưa tạo điều kiện, hỗ trợ mặt bằng để tổ chức các gian hàng, hội chợ hàng Việt Nam.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, tới đây, việc đưa hàng Việt về nông thôn sẽ khó khăn hơn, vì hoạt động này thường gắn với chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Nhưng năm nay, thành phố sẽ không tạm ứng vốn cho các doanh nghiệp vay để triển khai chương trình bình ổn giá như mọi năm, cho nên, sẽ khó vận động doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn. Bởi các chuyến đưa hàng này, doanh nghiệp gần như không có lãi.

Trong cuộc vận động, ngoài việc tuyên truyền cho người dân, thì quan trọng hơn là các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người tiêu dùng và quản lý thị trường, để hàng Việt Nam đứng vững trên sân nhà. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xây dựng các cơ chế, chính sách, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Đại diện nhiều đơn vị trong Ban Chỉ đạo cuộc vận động cũng cho rằng, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi cửa hàng bán hàng Việt Nam và nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong sử dụng nguyên liệu trong nước, sản xuất sản phẩm có chất lượng, giá cạnh tranh, phát động phong trào thi đua sản xuất, sử dụng hàng Việt Nam trong cộng đồng công nhân, người lao động.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố, các sở, ban, ngành, BCĐ CVĐ các quận, huyện, thị xã tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền CVĐ đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng với nhiều nội dung phong phú, hướng tới 100% người dân và doanh nghiệp biết đến cuộc vận động; giới thiệu hàng Việt Nam tới người tiêu dùng để nâng cao chất lượng cuộc vận động, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Thùy Linh

Top