Nông nghiệp Hà Nội: Nhiều đột phá từ kinh tế trang trại

01/01/2017 6:46 PM

(Chinhphu.vn) – Nhờ tập trung phát triển kinh tế trang trại nên tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2016 của Hà Nội đã đạt gần 45 nghìn tỷ đồng tăng 2,2% so với năm 2015. Trên địa bàn đã xuất hiện rất nhiều mô hình cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trên địa bàn Thủ đô đã xuất hiện rất nhiều mô hình cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: An Khuê

Chưa phát triển khi chưa có liên kết

Trước đây, hầu hết các trang trại trên địa bàn Hà Nội đều phải tự lo đầu vào, đầu ra và gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Nguyên nhân chính là do các trang trại có quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết giữa các “nhà” còn yếu. Bên cạnh đó, nhiều chủ trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tài sản để thế chấp vay mở rộng sản xuất.

Ông Nguyễn Trọng Long – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước (Thanh Oai) – người có sáng kiến xây “chung cư” cho lợn cho biết: “Việc liên kết “3 nhà”, “4 nhà” hiện nay vẫn chủ yếu là trên lý thuyết bởi chúng tôi chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện ở Thanh Oai có rất nhiều trang trại, nhưng họ chỉ giúp nhau được về khâu kỹ thuật”.

Số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm còn hạn chế. Nhiều chủ trang trại vẫn áp dụng phương pháp sản xuất truyền thống, chưa chú ý tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sức cạnh tranh yếu, giá bán thấp.

Hầu hết chủ trang trại chưa có sự liên kết trong các khâu từ sản xuất tới tiêu thụ, bị động trước thị trường và chịu cảnh để thương lái định đoạt giá của sản phẩm. Điển hình như tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai, Hà Nội) có 71 trang trại chăn nuôi được xây dựng theo mô hình chi hội, nhóm hộ chăn nuôi cũng chỉ hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, còn chủ yếu vẫn tiêu thụ theo kiểu "mạnh ai nấy làm", rất khó để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, an toàn và khoa học.

Một trong những khó khăn lớn nhất của người dân hiện nay là việc tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng. Vốn vay của các tổ chức tín dụng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Để đủ điều kiện vay vốn, các chủ trang trại buộc phải có tài sản thế chấp. Thế nhưng, phần lớn đất đai làm trang trại là đất thuê, đất đấu thầu cho nên ngân hàng không có cơ sở để cho vay. Việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại hiện nay không có giá trị về kinh tế, không thể thế chấp vay vốn. Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, về định mức cho các trang trại vay vốn đối với khu vực đồng bằng, mức vay tối đa tuy đã tăng từ 500 triệu đồng (Nghị định 41/2010/NĐ-CP) lên 1 tỷ đồng nhưng thủ tục vay vẫn còn phức tạp, qua nhiều đầu mối trung gian, người dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay.

Mặt khác, các trang trại chủ yếu sử dụng lao động của gia đình; một số trang trại có thuê lao động thời vụ và lao động thường xuyên, tiền công lao động chỉ được thực hiện theo hình thức thoả thuận giữa hai bên, chưa thực sự tạo sự ổn định về giải quyết việc làm.

Không phát triển ồ ạt

Sau dồn điền đổi thửa nhiều địa phương thuộc TP. Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển kinh tế trang trại. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đây cũng là các mục tiêu được Thành ủy Hà Nội đặt ra từ lâu và cụ thể hóa bằng Chương trình 02.

Hiện nay Hà Nội có 1.637 trang trại, trong đó có 1.346 trang trại chăn nuôi, 147 trang trại kinh doanh tổng hợp, 132 trang trại nuôi trồng thủy sản;... với tổng diện tích sử dụng 3.325 ha và thu hút trung bình từ 7 - 9 lao động/trang trại.

Theo ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội chia sẻ: “Hiện Sở đang điều tra, khảo sát hiện trạng các mô hình trang trại, vườn trại để xây dựng phương án hỗ trợ người dân hợp lý. Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Hà Nội cũng đang đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm, hỗ trợ các trang trại, gia trại xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn”.

Thực hiện kế hoạch hỗ trợ thành lập mới HTX năm 2016, Sở NN& PTNT Hà Nội đã phối hợp với phòng kinh tế các huyện, thị xã thống nhất với UBND các xã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước về HTX,... hướng dẫn xây dựng điều lệ hoạt động, phương án sản xuất, trình tự, thủ tục thành lập và trực tiếp hỗ trợ thành lập mới HTX theo quy định. Kết quả đã có thêm 13 HTX mới được thành lập trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Đông Anh, Ba Vì, Ứng Hòa, Mê Linh.

Ông Chu Phú Mỹ cho biết, chủ trương của Thành phố là không phát triển trang trại ồ ạt, không đặt ra chỉ tiêu mà chỉ ưu tiên phát triển ở những vùng có điều kiện thuận lợi. “Ví dụ ở huyện Quốc Oai, xã Đại Thành có thế mạnh về nhãn chín muộn thì ưu tiên trồng nhãn, còn xã Cấn Hữu có điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi thì đẩy mạnh nuôi lợn, gà… Hay ở các xã: Đắc Sở, Yên Sở (huyện Hoài Đức) có thế mạnh về cây phật thủ, hoa thì phải ưu tiên các loại này, chứ không theo kiểu thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào” – ông Mỹ phân tích.

Kinh tế trang trại là một trong những mô hình sản xuất thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá lớn. Sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần giúp người dân phát huy được lợi thế so sánh, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nông thôn.

An Khuê

Top