Nông sản, thực phẩm dịp Tết 2019: Cần chủ động nguồn cung

13/12/2018 2:19 PM

(Chinhphu.vn)- Năm nay, theo dự báo của các cơ quan và doanh nghiệp, lượng hàng hóa phục vụ Tết sẽ tăng hơn so với năm ngoái trung bình từ 25%-30%. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng đang tích cực chủ động nguồn cung.

Ảnh minh họa

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong tháng Tết, các mặt hàng thực phẩm, nông sản Thành phố tự  đáp ứng được không nhiều, chỉ có thịt lợn và thịt gà, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Gạo Thành phố chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; thịt bò chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu; thủy hải sản đáp ứng 5% nhu cầu; trứng gia cầm đáp ứng 66% nhu cầu; thực phẩm chế biến đáp ứng 25% nhu cầu; rau củ  đáp ứng 65% nhu cầu; quả các loại đáp ứng khoảng 35% nhu cầu.

“Với khoảng 10,2 triệu dân đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội hiện rất lớn. Trong tháng Tết, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu còn tăng tối thiểu khoảng 3% so với các tháng khác trong năm nên các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng Tết từ sớm để chủ động nguồn cung”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất đang hối hả chuẩn bị hàng Tết, các siêu thị cũng đã xây dựng chương trình Tết Nguyên đán năm nay. Tại Co.opmart đã xây dựng kế hoạch tăng 20% lượng hàng cho đợt Tết này.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) cho biết, siêu thị vẫn tập trung vào các nguồn hàng Tết như bánh kẹo, hoa quả, mứt Tết, dầu ăn, giò chả, gia vị nước chấm và các nhu yếu phẩm. Co.opmart Hà Đông cũng đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá với Sở Công thương Hà Nội, giữ ổn định giá bán các mặt hàng trong dịp Tết.

Hiện Sở Công Thương đã tích cực tham mưu, chủ động triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đến nay, đã có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình; đưa hàng hóa bình ổn tới 10.428 điểm bán hàng phục vụ nhân dân. Các điểm bán hàng bình ổn thuộc doanh nghiệp bình ổn thực hiện treo biển nhận diện theo mẫu quy định.

Năm nay hàng bình ổn chiếm khoảng 30-40% thị phần. Với sự tham gia của các đơn vị chủ lực trong lĩnh vực phân phối như Saigon Co.op, Satra, Big C, Aeon Citimart, Lotte… cùng hệ thống hơn 4.000 cửa hàng bình ổn mặt hàng lương thực - thực phẩm, hàng thiết yếu Tết sẽ được đưa đến tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý, ổn định trong 2 tháng trước và sau Tết. Đặc biệt trong 2 ngày cận Tết, các doanh nghiệp sẽ giảm giá sâu mặt hàng thịt heo, thịt gà, trứng gà/vịt...

Mới đây, tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc, một số các doanh nghiệp cũng đã ký kết thêm biên bản tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh. Theo đại diện một doanh nghiệp phân phối lớn tại Hà Nội, các đơn vị đã làm việc với nhà sản xuất, phân phối tại các tỉnh, thành phố lân cận từ tháng hồi tháng 7 để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết.

Cũng liên quan tới nội dung này, mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Công văn số 5989/UBND-KT, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Theo đó, UBND TP giao Sở Công Thương tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu kết hợp với Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp để cung ứng sớm và đầy đủ hàng hóa cho nhân dân trong dịp Tết 2019.

Đồng thời, theo dõi, đánh giá sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, kịp thời báo cáo UBND TP có biện pháp cụ thể đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu dẫn đến tăng giá đột biến; phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, thời tiết để đề xuất triển khai các giải pháp bảo đảm cân đổi cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Diệu Anh

Top