Nông thôn mới: Không có giải pháp, khó đạt tiêu chí

11/04/2017 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù là năm đầu tiên thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 với nhiều tiêu chí đòi hỏi cao hơn so với trước đây, nhưng nhờ các giải pháp thiết thực, kết quả đạt được cho đến nay đã có khởi sắc đáng kể so với thời điểm cuối năm 2016.

Sản xuất giầy da tại làng nghề Phú Yên, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Đỗ Hương

Còn nhiều vướng mắc

Dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong giai đoạn 2011-2015, nhưng triển khai thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội vẫn đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Điều này thể hiện ở chỗ, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản còn hạn chế.

Tuy chỉ còn 185/386 xã (chiếm 47,93%) của Hà Nội chưa đạt chuẩn NTM nhưng đây đều là xã khó khăn, xa trung tâm, các tiêu chí chưa đạt cần nhiều kinh phí và khó làm như: môi trường, cơ sở vật chất trường học, nước sạch nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập… Nổi lên rõ nhất là vấn đề môi trường, một số nơi xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng, tập trung ở các làng nghề chế biến nông sản và trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Sau dồn điền đổi thửa, việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nông nghiệp cho các hộ dân vẫn còn chậm. Đầu năm 2016, chỉ có 4 huyện gồm Ứng Hòa, Đan Phượng, Thường Tín và Phú Xuyên cấp được 187.376 giấy, đạt 29,7%. Sự chậm trễ này gây khó khăn lớn cho nhân dân khi đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Đời sống người dân ở nhiều nơi vẫn khó khăn, có sự chênh lệch lớn giữa nông thôn và thành thị, giữa nông thôn đồng bằng và miền núi. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt 35,5%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo tiêu chí nghèo mới chiếm 4,6%…

Năm 2017, Thành phố đặt mục tiêu có ít nhất 22 xã đạt chuẩn NTM,  tuy nhiên căn cứ vào kết quả thực tế, các huyện, thị xã đã mạnh dạn đăng ký 51 xã về đích. Với nhiều khó khăn hiện nay, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực lớn của các địa phương với các giải pháp cụ thể.

Ông Phạm Anh Tuấn-Phó Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa cho biết, đến nay huyện có 12/28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2017, TP giao huyện chỉ tiêu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM nhưng huyện đăng ký 4 xã gồm Kim Đường, Quảng Phú Cầu, Trung Tú và Trường Thịnh. Theo ông Tuấn, khó khăn của địa phương hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải ở các làng nghề gây bức xúc trong Nhân dân. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của nhiều xã khu Cháy cũng gặp khó khăn do nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng. “Đặc biệt, kinh phí xây dựng NTM của huyện cũng eo hẹp vì mỗi năm thu ngân sách chỉ đạt khoảng 800 tỷ đồng” – ông Tuấn chia sẻ.

Tại huyện Sóc Sơn, mục tiêu đưa 3 xã hoàn thành NTM vào năm 2017 cũng gặp nhiều trở ngại không nhỏ. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương phân tích, theo phân cấp, Thành phố quản lý toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn. Tuy nhiên, huyện Sóc Sơn có gần 31.000km kênh mương thủy lợi nội đồng, địa hình lại đa dạng cả đồi gò, vùng trũng và đồng bằng, nếu không được quản lý sát sao xuống tận chân ruộng thì việc điều tiết nước gặp khó khăn. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến tiêu chí thủy lợi của địa phương.

Mục tiêu càng cao giải pháp càng cụ thể

Mặc dù là năm đầu tiên thực hiện Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016-2020 với nhiều tiêu chí đòi hỏi cao hơn so với trước đây, tuy nhiên các xã đã tập trung bắt tay vào việc ngay từ đầu năm. Do đó, kết quả đạt được cho đến nay đã có khởi sắc đáng kể so với thời điểm cuối năm 2016. Cụ thể, tiêu chí giao thông tăng 12 xã đạt chuẩn, tiêu chí thủy lợi tăng 11 xã, trường học 15 xã, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tăng 6 xã, thu nhập tăng 5 xã, cơ sở vật chất văn hóa tăng 4 xã... Theo kế hoạch, năm 2017 các huyện, thị xã đăng ký có thêm 51 xã về đích NTM. Đây là con số cho thấy sự quyết tâm nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các địa phương.

Theo đánh giá mới nhất của các huyện, thị xã, toàn Thành phố đã có thêm 5 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 87 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí và không có xã nào đạt dưới 11 tiêu chí. Mặc dù vậy, hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người của một số huyện còn thấp như Ứng Hòa (27,1 triệu đồng/người/năm), Mỹ Đức (30,6 triệu đồng/người/năm), Phú Xuyên (30,5 triệu đồng/người/năm). Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao như Ba Vì (7,18%), Phú Xuyên (4,85%), Mê Linh (4,24%), Sơn Tây (4,04%)... Chính vì vậy, để đạt mục tiêu đưa 51 xã về đích trong năm nay, các địa phương cần phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết, huyện đã chỉ đạo 14 xã về đích NTM giai đoạn 2017-2020 phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để xây dựng NTM đi vào thực chất và có chiều sâu. Đồng thời các xã giao trách nhiệm thực hiện từng công trình, phần việc, tiêu chí NTM cho các tổ chức đoàn thể nhằm huy động sức mạnh tổng lực. Đặc biệt, quan tâm đến các tiêu chí bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân có thể trực tiếp tham gia giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng và quản lý thiết chế văn hóa ở cơ sở… “Huyện tập trung rà soát tiêu chí hộ nghèo của từng xã và yêu cầu Bí thư, Chủ tịch các xã xuống từng hộ dân lắng nghe để có biện pháp cụ thể- bà Hoa chia sẻ.

Liên quan tới vấn đề kinh phí xây dựng NTM, ông Hà Minh Hải-Giám đốc Sở Tài chính cho biết, đến nay kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đã cơ bản được cấp đủ cho các địa phương. Ông Hải lưu ý, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh dự án để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tránh tình trạng bố trí vốn dàn trải, lãng phí. Đồng thời đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất và thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo nguồn lợi về thuế, phí…

Đỗ Hương

Top