Ô nhiễm sông hồ: Việc xử lý vẫn còn gian nan

10/06/2016 9:30 AM

(Chinhphu.vn) - Trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm sông, hồ, kênh rạch… đang ở mức báo động. Điều đáng nói, mặc dù TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường nước, song trên thực tế, việc xử lý vấn đề này vẫn còn gian nan.

Thống kê của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, hiện Hà Nội có 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng.

Hà Nội hiện có 4 sông thoát nước chính (sông Lừ, Sét, Kim Ngưu và Tô Lịch) nhận phần lớn các loại nước thải của nội thành, đều bị ô nhiễm nặng. Các sông: Nhuệ, Đáy, Bùi và sông Tích cũng bị ô nhiễm, nhất là tại nhiều điểm hợp lưu của sông Nhuệ vào mùa khô.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm sông, hồ nhưng nguyên nhân chính là nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư đều không được xử lý theo đúng quy định, và chưa đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra các sông, hồ.

Ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật cấp thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Hà Nội hiện có khoảng trên 100 hồ, nhưng trong những hồ ấy lại chia thành nhiều nhóm hồ khác nhau. Có những hồ ở trong nội thành tham gia vào việc điều hòa thoát nước cho đô thị. Hồ nào cũng có cảnh quan riêng, nhưng việc dẫn đến ô nhiễm môi trường của hồ thì có rất nhiều nguyên nhân.

Chẳng hạn như hồ Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) là hồ thứ 13 trong dự án thoát nước giai đoạn 2 – là Hồ cuối cùng được bổ sung trong năm 2015. Năm 2015 thực hiện nạo vét người ta đào sâu hẳn hồ xuống, kè thêm 2-3 tầng. Trước đây hồ đã được cải tạo, được kè xung quanh nhưng không có nạo vét, không đào nên hồ rất nông và bùn rất cao, dễ bị ô nhiễm.

Nguyên nhân một phần cũng do công tác quản lý chưa tốt, một số bộ phận người dân còn thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi xuống hồ. Bên cạnh đó, nước hồ nông, ánh nắng mặt trời mùa hè rọi xuống tạo ra các loại tảo là tự nhiên và bình thường. Và tảo lên, nước không đủ độ sâu, không có ai vệ sinh thì tạo nên mùi, gây ô nhiễm.

Ngoài ra còn hồ Thiền Quang (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) là một trong những hồ lớn của Hà Nội. Đây là hồ thuộc hệ thống hồ tự nhiên thông ngầm với hồ Bảy Mẫu (trong công viên Lê – nin, có chức năng điều hòa nước và tạo cảnh quan cho khu vực). Nhiều năm tiếp nhận nước thải từ hệ thống thoát nước trong khu vực và các hàng quán ven hồ, hồ Thiền Quang cũng đang trong tình trạng ô nhiễm.

Còn những hồ khác như hồ Linh Quang, hồ Kim Liên nhỏ cũng đều có nguyên nhân, và những nguyên nhân gây ô nhiễm sông, hồ cũng chính là từ ý thức của người dân. Thậm chí, người dân ở đây còn tận dụng mặt hồ để chăn nuôi gia cầm, nuôi cá khiến hồ bốc mùi xú uế. Điều đáng chú ý là diện tích hồ ngày càng bị thu hẹp bởi những hộ dân ven hồ cố tình lấn chiếm dựng lều tạm.

Nước hồ ô nhiễm cũng là do nước thải chúng ta thu gom ở xung quanh hồ chưa đưa được về nhà máy để xử lý mà hệ thống xung quanh vẫn là hệ thống thoát nước chung. Khi không mưa thì nước thải không đến cái ngưỡng đó, nó chảy ra ngoài ống. Nhưng khi mưa xuống, mưa trộn với lượng nước thải tràn vào hồ, hồ sẽ bị lẫn một tỷ lệ nhỏ.

“Sông nội đô hiện nay thì không có dòng chảy, dòng chảy hiện nay chính là nước thải đô thị đổ ra. Bây giờ cứ hình dung nếu không có nước thải vào sông ấy thì sông không có nước, ô nhiễm chính ở đây”, ông Quân lý giải.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm này, hiện Hà Nội đang đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung hiện đại tại Yên Xá, công suất là 270.000 m3/ngày đêm và Phú Đô, công suất 84.000 m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Dự án nhà máy nước thải Yên Xá sẽ thu gom toàn bộ nước thải không cho chảy ra sông Tô Lịch và sông Lừ.

Tuy nhiên, khi chưa có các nhà máy xử lý nước thải này, trước mắt, năm 2015, 2016 trên sông Tô Lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thả gần 100 bè thủy sinh vừa để tạo cảnh quan cho sông vừa giảm ô nhiễm nguồn nước;

Đồng thời, Sở đã phát chế phẩm cho gần 20 nghìn hộ dân để người dân đổ vào nơi thoát nước thải; phối hợp với các quận tổ chức tuyên truyền, cùng dọn dẹp vệ sinh trên bờ sông, hồ, di chuyển một số chợ tạm ven các con sông để giảm thải ô nhiễm môi trường…

Mặc dù vậy, để xử lý triệt để ô nhiễm tại các dòng sông nội đô thì quan trọng là phải tách được hoàn toàn nước thải sinh hoạt, không đổ trực tiếp xuống sông và việc đầu tư phải thực sự được quan tâm hơn.

Thống kê của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho thấy: Tính đến cuối năm 2015, tổng số lượng ao, hồ ở Hà Nội là 112 với tổng diện tích mặt nước hồ là 6.969.305 m2.

Theo đó, có 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Có thể kể đến như: Hồ Văn Chương, hồ Linh Quang, hồ Thiền Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu, Ao phủ… Bên cạnh các ao, hồ còn có các sông cũng trong tình trạng tương tự như: Kim Ngưu, Tô Lịch…

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm môi trường là vì nước thải sinh hoạt từ cống nhỏ chảy thẳng ra các sông, hồ. Thậm chí rác thải sinh hoạt trôi nổi trên mặt nước do các hộ dân xung quanh vứt xuống sông, hồ. Chính từ những ô nhiễm này đã làm gia tăng nồng độ các chất hữu cơ, nó làm mất khả năng tự làm sạch của sông, hồ, và khiến cho nước ở các sông, ao, hồ bẩn đục.

Diệu Anh 

Top