Phát huy thế mạnh đất “trăm nghề”

23/04/2020 10:48 AM

(Chinhphu.vn) - Thành phố Hà Nội có khoảng 7.200 sản phẩm có lợi thế, trong đó chủ yếu là nông sản, đặc sản và các sản phẩm làng nghề đặc trưng. Đây vừa là tiềm năng vừa là nền tảng để Thành phố phát triển Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).

Gốm sứ Bát Tràng , một trong nghiều sản phẩm OCOP nổi tiếng của Hà Nội - Ảnh: An Khuê

Hướng đi đúng

Sau khi phát triển chương trình OCOP tại Hà Nội, nhiều địa phương như tìm thấy một con đường phát triển mới cho các sản phẩm đặc trưng của mình.

Như tại huyện Sóc Sơn, tham gia Chương trình OCOP năm 2019, huyện có 28 sản phẩm là các loại rau, củ, quả, nấm ăn, bánh chưng, chè. Các sản phẩm này đều là thế mạnh của huyện và cơ bản đáp ứng đủ tiêu chí... Trong khi đó, huyện Quốc Oai có 11 sản phẩm như trứng gà, giò lụa...; huyện Hoài Đức có 6 sản phẩm miến các loại... đã qua đánh giá đủ tiêu chí công nhận sản phẩm Chương trình OCOP cấp thành phố.

Hay rõ nét hơn tại huyện Ba Vì, toàn huyện hiện có khoảng 1.600 hộ chăn nuôi bò sữa; tập trung nhiều nhất ở 3 xã: Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh. Ở các địa phương này có nhiều đơn vị chăn nuôi bò sữa theo hướng nông trại hiện đại.

Hợp tác xã đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (gọi tắt là HTX Nông trại xanh), ở thôn Xuân Hòa (xã Vân Hòa) có thể xem là một mô hình nông trại nông nghiệp hữu cơ mẫu ở Ba Vì. Đây là mô hình sản xuất khép kín từ trồng cỏ, nuôi bò, chế biến và tiêu thụ.

Đặc biệt, sau khi UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố (theo Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019), HTX Nông trại xanh đã chú trọng đưa một số sản phẩm đặc trưng của mình trở thành sản phẩm OCOP. Chỉ sau một thời gian tham gia Chương trình, các sản phẩm chế biến từ sữa bò với thương hiệu “Trang Vien Green Farm” của HTX đã liên tục “tăng sao” ở sân chơi OCOP của Thành phố.

Mới đây nhất, theo Quyết định 813/QĐ-UBND, ngày 19/2/2020 của UBND TP. Hà Nội phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố năm 2019 (đợt 3), 6 sản phẩm mang thương hiệu “Trang Vien” của HTX Nông trại xanh (sữa tươi thanh trùng có/không đường, sữa chua, sữa chua nếp cẩm, bánh sữa, caramen) đã được gắn “4 sao”. Các sản phẩm này dự báo sẽ được “nâng sao” trong thời gian tới, vì tất cả đều được Hội đồng đánh giá của Thành phố cho điểm từ 75 trở lên (thang điểm 100).

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề (chiếm 1/3 làng nghề cả nước) và nông sản, đặc sản nổi tiếng, sau khi Thành phố ban hành kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đã hào hứng tham gia. Theo thống kê, toàn Thành phố có khoảng 7.200 sản phẩm có lợi thế, trong đó chủ yếu là nông sản, đặc sản và các sản phẩm làng nghề đặc trưng.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP. Hà Nội (VP Nông thôn mới), việc thực hiện Chương trình OCOP sẽ góp phần thúc đẩy, phát huy sáng tạo cho các doanh nghiệp, HTX và người dân, đồng thời tạo điều kiện để các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển, nhất là các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là cơ hội tốt để đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.

Tập trung nâng hạng – nâng chất lượng sản phẩm

Thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, doanh nghiệp có động lực “tăng sao” khi tham gia OCOP. Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, VP Nông thôn mới Hà Nội vẫn tích cực tham mưu Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Trong tháng 2/2020, Hội đồng thẩm định Thành phố đã phân hạng 275 sản phẩm OCOP; tham mưu UBND Thành phố ban hành các quyết định công nhận 275 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Qua đó nâng tổng số sản phẩm OCOP của toàn Thành phố lên thành 301 sản phẩm từ 3 sao trở lên. Trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia; 207 sản phẩm đạt 4 sao; 88 sản phẩm đạt 3 sao.

Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code… Từ lợi thế này, Hà Nội phấn đấu năm 2020 sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng 800 - 1.000 sản phẩm; trong đó, có 500 sản phẩm trở lên được đánh giá, xếp 3 sao trở lên, có 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia (hạng 5 sao).

Để đạt mục tiêu của năm 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân chuẩn hóa sản phẩm để đạt tiêu chí Chương trình OCOP... Các địa phương cũng đề ra mục tiêu cụ thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết, huyện phấn đấu năm 2020 có 45 sản phẩm được công nhận là sản phẩm Chương trình OCOP cấp thành phố. Tương tự, huyện Đan Phượng phấn đấu có 107 sản phẩm được phân loại, xếp hạng Chương trình OCOP...

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, khẳng định: “Hà Nội rất quan tâm đến chính sách phát triển làng nghề. Mỗi một ngành nghề cũng cần có 1,2 doanh nghiệp đầu đàn trong ngành nghề đó. Mỗi một thị trường nước ngoài cũng vậy. Những doanh nghiệp này như những con chim đầu đàn hỗ trợ cho những cơ sở sản xuất nhỏ trong làng nghề chưa có điều kiện về nhân lực, kỹ thuật, kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu. Điều này Hà Nội đã làm được trong thời gian qua.”

Theo kế hoạch trong năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp huyện, xã. Thành phố phấn đấu 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, 100 sản phẩm OCOP hạng 5 sao. Mặc dù triển khai chương trình OCOP muộn hơn so với một số tỉnh, thành khác nhưng với cách làm bài bản, khoa học, có sự đúc rút kinh nghiệm từ những nơi khác, thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả chương trình OCOP. Chương trình OCOP giúp các địa phương khai thác thế mạnh đặc sản nông nghiệp, làng nghề... nhằm mang lại giá trị thu nhập cao hơn cho nông dân. Phát biểu tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019 diễn ra tháng 12/2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường gợi ý, Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở, người dân chuẩn hóa quy trình sản xuất trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học, công nghệ. Cùng với đó là kiên trì, liên tục đổi mới sáng tạo, làm tốt công tác nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường...

An Khuê

Top