Phát triển hoa cây cảnh – mũi nhọn kinh tế xây dựng nông thôn mới

23/04/2021 2:02 PM

(Chinhphu.vn) - Việc phát triển hoa cây cảnh không những bảo vệ môi trường sinh thái sáng- xanh- sạch đẹp mà còn là một mũi nhọn kinh tế gia tăng thu nhập để nâng cao đời sống của người dân, góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố.

Chương trình hưởng ứng đề án trồng 1 tỷ cây xanh cảu Chính phủ. Ảnh: Thiện Tâm.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới đến hết năm 2020 có 12 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/18 huyện, thị xã  ngoại thành. Có 386/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Hà Nội đã đổi thay rõ rệt, thu nhập người dân ngày càng được nâng cao, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật được đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt cảnh quan môi trường đã được cải thiện đáng kể, các đường hoa, cây xanh và tranh bích họa đang được người dân quan tâm và mở rộng để mỗi địa phương là một miền quê đáng sống, để nhân dân đến du lịch, trải nghiệm và thưởng ngoạn.

Để phát triển kinh tế nông thôn bên cạnh phát triển các loại cây trồng vật nuôi, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 390 ngày 17/1/2019 về danh mục sản phẩm nông nghiệp được cấp thành phố, các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của thành phố Hà Nội, trong đó xác định rõ hoa, cây cảnh là sản phẩm chủ lực của thành phố. Diện tích trồng hoa cây cảnh của Hà Nội tăng mạnh từ 5.484 ha năm 2015 lên 7.960 ha năm 2020. Cơ bản trên 70% diện tích được trồng tập trung điển hình là ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa lan hồ điệp, hoa lan VAR. Với các tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng, tự động, ánh sáng và nhiệt độ được điều chỉnh, năng suất cây trồng ở đây đạt khá cao và việc sản xuất bước đầu đã mang lại hiệu quả. Giá trị sản xuất bình quân đạt từ 0,5- 1,5 tỷ đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt từ 1,3- 2,2 tỷ đồng/ha/năm.

Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ- CP của Chính phủ ngày 12/4/2018, trong đó đã chính thức công nhận hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh vật cảnh là một trong 7 ngành nghề phát triển nông thôn. Đến nay Hà Nội đã công nhận được 313 làng nghề, làng nghề truyền thống trong đó có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống về hoa, cây cảnh được UBND thành phố công nhận như: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo, làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên, làng nghề hoa cây cảnh Nội Thôn huyện Thường Tín, làng nghề hoa cây cảnh Hạ Lôi, làng nghề cây cảnh hoa giấy thôn Phù Đổng huyện Gia Lâm…

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu về sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh, Hà Nội vẫn còn có nhiều khó khăn bất cập nên ngành hoa, cây cảnh chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Điển hình như việc đầu tư cho hoa cây, cảnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao thường là lớn xong việc tiếp cận chính sách vay vốn còn gặp nhiều khó khăn như cây cảnh chưa có đơn vị định giá để làm tài sản thế chấp nguồn vốn vay các ngân hàng thương mại. Hay các chính sách từ Trung ương đến thành phố đều có xong áp dụng vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn bất cập, như chính sách về ứng dụng công nghệ cao chưa thực hiện được, hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất hoa, cây cảnh chủ yếu đang thực hiện theo Nghị định 83 của Chính phủ về mô hình khuyến nông nên chưa tạo được đột phá để tạo giá trị gia tăng cao; hỗ trợ cho các làng nghề hoa lan cây cảnh cũng chỉ mới tập trung vào làng nghề, làng nghề truyền thống…

Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Chí để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới Thành ủy Hà Nội đã ban hành chương trình 04 ngày 17/3/2021 về: Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 100% các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tăng diện tích hoa, cây cảnh đạt từ 8,5 nghìn ha đến 9 nghìn ha.

Đẩy mạnh phong trào cây xanh phân tán cây ven đường giao thông lên 8 đến 10m2/người. Quy hoạch phát triển làng nghề và kế hoạch bảo tồn phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, tạo điều kiện để các làng tổ chức sản xuất kinh doanh và xúc tiến thương mại, làng nghề phát triển tốt sẽ gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

Để đạt được mục tiêu này, trong đó phát triển hoa, cây cảnh- ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị trong thời gian tới, Chi cục phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội đã đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh, thành phố rà soát những chính sách liên quan đến phát triển hoa, cây cảnh để bổ sung, chỉnh sửa tháo gỡ những nút thắt trong thực hiện chính sách ở cơ sở để ban hành cơ chế chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển ngành hoa, cây cảnh. Đồng thời các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện làm tốt công tác quy hoạch phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh là mũi nhọn và chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế, cải tạo môi trường để thiết thực phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị của địa phương.

Nhân dịp này, chương trình đã phát động phong trào và đăng ký hưởng ứng tham gia Đề án 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, đồng thời ra mắt thành lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Hoa lan Việt Nam.

Thiện Tâm

Top