Phát triển văn hoá-xã hội đạt nhiều kết quả tích cực

23/09/2020 2:40 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 5 năm triển khai, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực khi phát triển văn hoá - xã hội được quan tâm, có nhiều tiến bộ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh và góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị di sản.

Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Phát triển mô hình văn hóa cơ sở

Theo Thành ủy Hà Nội, Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy và Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND Thành phố về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016-2020” đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Ban Chỉ đạo từ Thành phố đến cơ sở đã chỉ đạo quyết liệt, hoạt động tích cực, kịp thời ban hành hệ thống văn bản, cụ thể hóa chương trình thành những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả chương trình.

Trong phát triển văn hóa-thể thao, cụ thể là thực hiện các chỉ tiêu xây dựng mô hình văn hóa cơ sở được quan tâm triển khai đến các quận, huyện, thị xã, trọng tâm là thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình văn hoá. UBND Thành phố đã ban hành, triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng mô hình: “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hóa” trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020” đồng thời triển khai các mô hình: Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới.

Toàn Thành phố hiện có 23 thiết chế văn hóa cấp Thành phố; 32 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện; 151/584 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn (tăng 46 nhà văn hoá so với năm 2016); 386 xã có quy hoạch trung tâm văn hoá xã; 3,966/7.845 nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố (tăng 381 nhà văn hoá so với năm 2016).

Việc kiểm tra, rà soát xây dựng các mô hình văn hóa tại 30 quận, huyện, thị xã được tiến hành nhằm đánh giá thực trạng chất lượng các mô hình văn hoá, làm cơ sở đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ và giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho địa phương. Hằng năm, công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy trình, thủ tục công nhận các danh hiệu văn hoá cơ sở được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, chú trọng đến chất lượng. Kết quả cho thấy các mô hình đều đạt so với kế hoạch; công tác xây dựng mô hình văn hóa phù hợp hơn với đặc thù của từng địa phương; chất lượng được nâng cao, bước đầu tác động đến sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị được triển khai rộng rãi trên địa bàn, huy động nguồn lực trong cộng đồng, nhân dân tích cực thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường và tham gia giám sát việc triển khai thực hiện ở cộng đồng dân cư; trong đó, một số huyện như: Ứng Hòa, Thanh Oai... đã có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả tại địa phương.  

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chăm lo đời sống văn hóa cơ sở, phát huy hiệu quả hoạt động nhà văn hóa được tăng cường. Một số địa phương đã huy động được nguồn lực xã hội hóa tham gia đầu tư cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa tại địa phương. Nhìn chung, các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố đã từng bước đổi mới về phương thức tổ chức hoạt động; cơ sở vật chất được tăng cường; khai thác có hiệu quả phục vụ nhu cầu của nhân dân, nhất là các Nhà văn hóa, thôn, tổ dân phố, trong đó, nhiều địa phương có những mô hình hoạt động sáng tạo như huyện Ứng Hoà .

Tăng cường quản lý, phát huy giá trị di sản

Trong 5 năm qua, công tác quản lý nhà nước về di sản ngày càng được tăng cường. Những vụ việc vi phạm trong quản lý về di sản ngày càng giảm và được xử lý kịp thời.

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành đề án: Tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên toàn Thành phố (với 5.922 di tích ; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể) và toàn bộ đã được cập nhật vào phần mềm hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Trung ương; ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội là địa phương có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia nhất cả nước, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới; 6 di tích quốc gia đặc biệt; 18 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Nghi lễ và trò chơi Kéo co, Hát Ca trù đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được nhiều kết quả tích cực; nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của di sản đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được nâng cao; công tác khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng các di tích; việc tổ chức gắn biển các địa điểm, di tích cách mạng kháng chiến, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện khoa học, đúng quy trình. Việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm đầu tư, hằng năm tiến hành khảo sát hiện trạng các di tích đã xuống cấp, tổng hợp đề xuất Thành phố ban hành danh mục và bố trí nguồn vốn thực hiện.

Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng chính là những địa điểm triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị trở thành những điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế như: Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn - hồ Hoàn Kiếm, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, chùa Hương... góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, hòa bình, hữu nghị ra thế giới.

Nhiều dự án bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được triển khai có hiệu quả trong cộng đồng , một số đề án, kế hoạch nhằm khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đã được triển khai, mang lại hiệu quả rõ nét; 12 nhóm với 149 bảo vật quốc gia có giá trị độc đáo, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được bảo quản, lưu giữ, phát huy tại Bảo tàng, các di tích và trong các bộ sưu tập tư nhân trên địa bàn Thành phố đang góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di sản của Thủ đô.

Hòa An

Top