Quyết liệt xử lý vi phạm trong môi trường thương mại điện tử

26/02/2019 1:05 PM

(Chinhphu.vn) - Hàng hóa đa dạng, đặt hàng dễ dàng, thanh toán, nhận hàng thuận tiện… là những ưu điểm nổi bật của mua sắm điện tử. Lợi dụng được lòng tin của người tiêu dùng, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái qua thương mại điện tử đang diễn ra ngày càng phức tạp. Điều này đòi hỏi sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm kinh doanh thương mại điện tử.

Ảnh minh họa

Thực hiện Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao (PA05, công an TP. Hà Nội) và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và chức vụ công an quận Nam Từ Liêm đã kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh do ông Nguyễn Bá Tước là chủ hộ kinh doanh tại địa chỉ: Lô 15, khu đô thị Mễ Trì Hạ, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Cơ sở của ông Tước đang kinh doanh 57 mặt hàng với hơn 1.380 đơn vị sản phẩm gồm các loại sản phẩm nước hoa gợi tình, xịt chống xuất tinh sớm, thuốc cường dương nam, tăng cường sinh lý nữ,... Toàn bộ số hàng hóa này do nước ngoài sản xuất, không xuất trình được hóa đơn chứng từ.

Quá trình kiểm tra cũng cho thấy, cơ sở kinh doanh của ông Tước không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định. Thiết lập website Thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm chức năng. Kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Bán thuốc chưa được phép lưu hành.Kinh doanh mỹ phẩm chưa thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, ông Tước khẳng định, toàn bộ số hàng hóa mua về và niêm yết giá trên website: nhathuoc18.com với nguyên tắc mua vào 1, niêm yết với giá gấp 10 lần nhưng thực tế không bao giờ ông Tước bán được với giá niêm yết đó.

Đây chỉ là một vụ xử lý vi phạm trong nhiều vụ vi phạm kinh doanh thương mại điển hình. Theo báo cáo thương mại điện tử của Nielsen 2018, trong số những người tiêu dùng truy cập vào internet thì có đến 98% người tiêu dùng đã mua hàng trực tuyến, tăng 1% so với năm 2017.

Năm 2018, khảo sát 1.000 doanh nghiệp của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, có 61% doanh nghiệp đã áp dụng hình thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, hơn 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, doanh thu từ thương mại điện tử chiếm từ 30 - 50% tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, trong siêu thị, cả trăm nghìn mặt hàng từ cọng hành cho đến hạt đậu, tất cả đều phải có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, hàng bán trên mạng có hàng triệu lượt người xem, nhưng nguồn gốc, chất lượng thế nào chẳng ai hay. Trong khi đó,  về phía người tiêu dùng, dù biết sản phẩm mình mua là hàng giả, hàng nhái, nhưng vẫn đặt mua vì giá rẻ, phù hợp. Như vậy, vô hình trung việc làm này đã tiếp tay cho nạn hàng nhái lan rộng hơn.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, để tạo hành lang pháp lý quản lý thương mại điện tử, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP đáp ứng yêu cầu về quản lý thương mại điện tử tại thời điểm ban hành, nhưng thị trường thay đổi liên tục đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Cụ thể, công nghệ số, internet phát triển nhanh chóng dẫn đến nhiều mô hình thương mại điện tử mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở hai mô hình phổ biến là website thương mại điện tử, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động.

Đây là thuận lợi nhưng cũng tạo ra nhiều kẽ hở để các cá nhân, tổ chức lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, thậm chí giả mạo các doanh nghiệp uy tín để lừa đảo người mua gây thiệt hại kinh tế và niềm tin người tiêu dùng.

Có thể thấy, trong cuộc đua cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp nào càng có nhiều dữ liệu thì cơ hội thành công càng lớn. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần phải có giải pháp để cân bằng lợi ích trong việc xây dựng nền tảng dữ liệu lớn phục vụ nhu cầu phát triển thị trường của doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm quyền thông tin cá nhân của mọi công dân. Chỉ khi nào quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia được bảo bảo một cách hài hòa mới tạo ra nền tảng để thương mại điện tử phát triển bền vững.

Diệu Anh

Top