Sản phẩm hữu cơ: Đích đến của thực phẩm sạch

22/12/2016 8:15 AM

(Chinhphu.vn) - Các sản phẩm nông sản sạch, an toàn là những sản phẩm được sản xuất theo đúng lịch trình thời vụ và sử dụng các loại phân bón hóa chất cho phép trong quá trình sinh trưởng. Ngược lại, nông sản hữu cơ là sản phẩm được ra đời hoàn toàn tự nhiên bằng quá trình chăm sóc nghiêm ngặt của của người sản xuất. Tuy giá thành của những sản phẩm này khá cao nhưng người dân tại Hà Nội vẫn khá ưa chuộng những sản phẩm này.

Giới thiệu thực phẩm hữu cơ -Ảnh Đỗ Hương

Nhu cầu cao nhưng chưa thể phát triển

Ngày nay, tình trạng rau quả được “tắm” trong thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng đã khiến nhiều bà nội trợ lo lắng, bất an. Chính vì vậy, nhu cầu tìm về nguồn cung cấp thực phẩm hữu cơ đang trở thành xu hướng của các bà nội trợ, nhất là những gia đình có điều kiện hoặc đang nuôi con nhỏ.

Thực phẩm hữu cơ là những loại thực phẩm được sản xuất bằng phương thức và tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ. Tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ là khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ nói chung luôn hướng đến nuôi trồng thúc đẩy cân bằng sinh thái, đa dạng và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể hạn chế sử dụng một số loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón tổng hợp. Thực phẩm hữu cơ không được phép xử lý bằng chiếu xạ, dung môi công nghiệp hoặc các chất phụ gia thực phẩm tổng hợp.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Văn Hưng , Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam, thời gian qua, các bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức đến phát triển NNHC. Tuy chính sách hỗ trợ cho sản xuất NNHC đã có, song cơ chế lại chưa cụ thể. Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn cho sản xuất hữu cơ như tiêu chuẩn, quy chuẩn hay công tác phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương cũng hạn chế.

PGS.TS Lê Văn Hưng lấy ví dụ, giai đoạn 2005-2012, Tổ chức Phát triển nông nghiệp Châu Á của Đan Mạch (ADDA) tài trợ, chuyển giao cho Hội Nông dân Việt Nam thực hiện dự án phát triển NNHC tại 9 tỉnh ở phía Bắc trên các đối tượng như lúa, rau, vải, cam, bưởi, chè, thủy sản. Tuy nhiên, khi dự án kết thúc, chỉ có một số nhóm nông dân ở Hà Nội (vùng rau hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) và Hòa Bình duy trì được hoạt động, còn lại gần như tan rã.

Điều đáng nói, trong khi yêu cầu về chứng nhận chất lượng đối với nông sản thực phẩm ngày càng cao, đến nay, nước ta vẫn chưa có cơ chế và quy định cụ thể cho việc hình thành các tổ chức chứng nhận cho sản phẩm NNHC. Đây cũng là khó khăn, trở ngại lớn cho phát triển sản phẩm hữu cơ ở nước ta.

Bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất có quy mô khoảng 30 ha trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ chia sẻ, do chưa có quy định công nhận sản phẩm hữu cơ nên doanh nghiệp (DN) và người sản xuất chưa có cơ sở để chứng minh chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng.

Manh nha chính sách cho sản phẩm hữu cơ

Từ năm 2006, Bộ NN&PTNT đã ban hành hành Tiêu chuẩn ngành số 10TCN 602-2006 “Hữu cơ-tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến”. Tuy nhiên, 10 năm qua, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ông Hà Minh Đức, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch CleverFood cho biết, trong khi chờ Việt Nam có chứng nhận hữu cơ của riêng mình thì phía DN phân phối, tiêu thụ thực phẩm tạm thời chấp nhận các trang trại, HTX, hộ sản xuất hữu cơ theo Tiêu chuẩn 10TCN 602-2006. “Đây là giải pháp tạm thời để hỗ trợ đầu ra cho sản xuất hữu cơ và giúp người tiêu dùng bớt hoang mang”-ông Đức cho hay.

Ông Hoàng Bá Nghị, thành viên Ban Chỉ đạo VietGAP Trung ương nhận định, việc thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ là vấn đề không dễ dàng. Do đó, phải thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của “4 nhà”. Ban đầu, Nhà nước cần hỗ trợ thực hiện mô hình mẫu, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và sau đó nhân rộng mô hình ra cả nước. Theo ông Nghị, để sản xuất NNHC bền vững, nên tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ nông dân thành HTX, tổ hợp tác. Đồng thời khuyến khích và phát huy hiệu quả liên kết DN với nông dân và bao tiêu sản phẩm thông qua HTX, tổ hợp tác.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có quy hoạch đối với các địa phương dành diện tích đất cho sản xuất NNHC và vùng sản xuất lớn chuyên canh với các sản phẩm là thế mạnh của vùng, trong đó có sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Song song với đó, có chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho tổ chức sản xuất hữu cơ về đất đai, vốn tín dụng để đầu tư các cơ sở sản xuất, chế biến và ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho phát triển NNHC…

Sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên đảm bảo an toàn thực phẩm và tính bền vững đối với môi trường. Đây cũng là xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để nông nghiệp hữu cơ phát triển được, Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất và kinh doanh. Theo các chuyên gia, trước tiên, các bộ, ngành cần sớm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cho sản xuất hữu cơ từ tiêu chuẩn, quy chuẩn đến kiểm tra, giám sát sản xuất và chứng nhận sản phẩm.

Cuối tháng 7/2016, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã có cuộc làm việc với Hiệp hội NNHC Việt Nam, Thứ trưởng đã giao Vụ Khoa học công nghệ của Bộ NN&PTNT để xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến NNHC và đề xuất sửa đổi các chính sách liên quan cho phù hợp với thực tế sản xuất NNHC hiện nay. Thứ trưởng cũng giao Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối  thuộc Bộ phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội để tới đây tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu và liên kết sản xuất tại Ba Vì, Hà Nội. Đây có thể là tín hiệu rất tích cực để các DN sản xuất NNHC rộng đường tiến vào thị trường đầy tiềm năng hiện nay.

Đỗ Hương

Top