Tăng cường kết nối sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền

06/12/2019 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 6/12, Sở NN&PTNT phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương và UBND quận Tây Hồ tổ chức Hội thảo, quảng bá giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền trên toàn quốc.

Việc đẩy mạnh kết nối sẽ tạo điều kiện phát triển các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền. Ảnh: Thiện Tâm

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông về các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản nhằm tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy hoạt động sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn. 

Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật các văn bản quy định mới, kỹ năng hướng dẫn xây dựng chuỗi, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị nông sản về kiến thức liên kết chuỗi giá trị, các quy định, điều kiện, thực hành đảm bảo ATTP, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến GMP "Thực hành tốt sản xuất", HACCP "Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn". 

Đồng thời, Hà Nội đã hỗ trợ kết nối sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm theo chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn thông qua việc tiếp tục triển khai các kế hoạch để đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm của 135 chuỗi liên kết đã được xây dựng. Tiếp tục hỗ trợ để nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm trong chuỗi và nhân rộng các mô hình chuỗi an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó đã tổ chức đoàn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản đi làm việc, học tập, kết nối sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại giữa Hà Nội với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Thành phố. Qua đó, Hà Nội và các tỉnh đã xây dựng và phát triển được 727 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong đó có 198 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đặc biệt năm 2019 Sở Nông nghiệp đã tổ chức 4 sự kiện kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền được doanh nghiệp , nhà sản xuất và người tiêu dùng đánh giá cao.

Ngành nông nghiệp Thành phố đã xây dựng và duy trì 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Trong đó các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê..

Để tăng cường hiệu quả kết nối giao thương sản phẩm nông nghiệp dựa trên những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, nhiệm vụ đột phá từ nay đến 2020 là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp. Trong đó, tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật và quản lý từ Thành phố đến cơ sở đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Tăng cường tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Thiện Tâm

Top