Tăng cường liên kết để đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng

05/10/2016 12:37 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm Việt Nam an toàn, ngày 5/10, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội và Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị kết nối các doanh nghiệp sản xuất-phân phối hàng Việt Nam.

An toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên hiện nay tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối lo chung và là vấn đề xã hội bức xúc cần được giải quyết. Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thì hiện nay nguồn cung ứng các mặt hàng thực phẩm trong nước đã sẵn có nhưng vấn đề đặt ra là để đáp ứng được yêu cầu của thị trường (mức độ phong phú, sự đa dạng về chủng loại, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm...) còn nhiều hạn chế trong việc tiêu thụ thực phẩm ở cả kênh bán lẻ hiện đại và bán lẻ truyền thống. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ sở dữ liệu còn nghèo nàn, liên kết giữa các nhà sản xuất-nhà phân phối-nhà bán lẻ còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả. Bên cạnh đó là những bất cập, yếu kém về quản lý vĩ mô lĩnh vực phân phối bán lẻ; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích để củng cố và phát triển kết cấu hạ tầng cho phát triển dịch vụ phân phối bán lẻ còn rất ít, thiếu tính liên tục, nhất quán.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, với nhiều nỗ lực và cố gắng, Hà Nội đã quy hoạch ngành chăn nuôi và thực hiện quy hoạch một cách đúng đắn. Đồng thời tuyên truyền phổ biến sâu rộng tới người chăn nuôi, các doanh nghiệp về chủ trương, định hướng phát triển chăn nuôi, nhận thức sâu sắc về tái cơ cấu cũng như đầu tư khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, chăn nuôi Hà Nội còn có thế mạnh lớn về thị trường trong nước và các nước láng giềng. Lợi thế điều kiện tự nhiên và thời tiết khí hậu thuận lợi hơn các nước trên thế giới có ngành chăn nuôi phát triển như Pháp, Đan Mạch... nên đã tạo điều kiện tốt để thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi.

Tuy nhiên, dù ngành chăn nuôi Thủ đô rất phát triển nhưng kênh phân phối, tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm. Nguyên nhân là do Hà Nội vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ. Các điểm bán thịt gia súc, gia cầm tươi sống ở các khu vực dân cư, chợ truyền thống... do chi phí thấp nên dù vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo nhưng đã cạnh tranh về giá với các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Mặt khác, chưa có sự hợp tác bài bản giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi từ khâu lên kế hoạch sản xuất, thống nhất quy trình chăn nuôi, cung cấp đầu vào...

Vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn này, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng nhà nước cần hỗ trợ thành lập các Trung tâm giao dịch hàng hóa hoặc tổ chức các Phiên chợ giao dịch hàng hóa hoạt động định kỳ. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng hoạt động như tạo các ưu đãi kinh tế để thu hút đầu tư xây dựng và vận hành Trung tâm giao dịch, hỗ trợ tài chính...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, cần tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất lâu dài cho chăn nuôi và thủ tục pháp lý đất chăn nuôi đảm bảo để chủ trang trại yên tâm đầu tư, lập dự án thu hút vốn đầu tư. Do Hà Nội đang thiếu những doanh nghiệp đầu mối của chuỗi để xác lập nên chuỗi hoàn chỉnh vì vậy phải bồi dưỡng, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư lấp vào khoảng trống hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ. Thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích ở cả vùng thành thị và nông thôn.

Đẩy mạnh tuyên truyền và thay đổi tập quán thói quen người tiêu dùng để sử dụng thịt mát, thịt cấp đông. Đồng thời phát triển nhãn hiệu chứng nhận để giúp người tiêu dùng không phải mua phải sản phẩm mất an toàn bằng lòng tin mà có cơ sở khoa học để khẳng định.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội và các đơn vị sản xuất, tiêu thụ thực phẩm an toàn đã ký kết hợp tác sản xuất phân phối.

Tú Mai

Top