Tăng cường quản lý các vật cổ tại các khu du tích

12/12/2018 2:33 PM

(Chinhphu.vn)-Thời gian qua, việc quản lý các đồ thờ tự, tượng pháp, di vật, cổ vật trong các di tích và chất lượng tu bổ di tích ở ở một số địa phương tại Hà Nội chưa đạt yêu cầu.

Việc tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục về vai trò, tầm quan trọng và giá trị của di sản văn hóa và nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý và các cá nhân trông nom trực tiếp tại di tích là những giải pháp mà ngành văn hóa Hà Nội sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm khắc phục tình trạng này.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong công tác quản lý di tích là do là nhận thức về di sản văn hóa và việc bảo vệ di sản văn hóa (bao gồm cả di tích và di vật có trong di tích) vẫn chưa thực sự sâu sắc trong cộng đồng dân cư, thậm chí ngay trong cả một số tổ chức, cá nhân được giao trông coi bảo vệ di tích nên vẫn để xảy ra tình trạng trên.

Hà Nội là địa phương có nhiều di tích nhất toàn quốc (5.922 di tích). Tuy nhiên, nguồn nhân lực quản lý di tích các cấp còn mỏng, thiếu kinh nghiệm; nhân sự tham gia hoạt động tu bổ còn yếu và thiếu kinh nghiệm, thiếu thợ lành nghề, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Theo phân công quản lý di tích hiện nay, cấp thành phố quản lý 10 di tích tiêu biểu, phần lớn số di tích còn lại (trên 5.900 di tích) do quận, huyện, thị xã quản lý. Quận, huyện, thị xã lại phân công phần lớn số di tích cho các xã, phường, thị trấn quản lý.

Hiện nay, phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện là đơn vị tham mưu về công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn, trong đó cán bộ tham gia quản lý di tích có 1 người và vừa phải thực hiện công việc thuộc các lĩnh vực khác của phòng, thậm chí, có nơi còn kiêm nhiệm quản lý di tích, do vậy, vẫn còn tình trạng chưa nắm bắt kịp thời các hoạt động tại di tích và chưa chủ động đề ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý.

Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia và công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của việc bảo tồn di tích nên vẫn còn tình trạng chất lượng tu bổ di tích ở một số địa phương còn chưa đạt yêu cầu.

Một trong những nguyên nhân khác là hiện số địa phương thực hiện thống kê, kiểm kê, đánh giá, phân loại hiện vật trong di tích chưa nhiều nên dẫn đến tình trạng các di vật có giá trị chưa được quan tâm, quản lý kịp thời; thêm vào đó, người trụ trì, trông coi di tích có nơi chưa hiểu hết giá trị của các di vật trong di tích nên hoặc bị kẻ xấu lợi dụng để đưa hiện vật có giá trị ra ngoài, hoặc thấy hỏng thì thay mới mà không sửa chữa, phục hồi nên cũng dẫn đến tình trạng trên.

Việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương chưa thường xuyên, kịp thời, dẫn đến việc hạ giải, thay thế một số hạng mục chưa đúng quy định, nhất là đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hoá; trong quá trình tu bổ di tích còn để xảy ra sai phạm.

Nâng cao trách nhiệm và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý

Nhằm khắc phục các tồn tại trên đây, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý di tích là Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục về vai trò, tầm quan trọng và giá trị của di sản văn hóa (bao gồm di tích và hiện vật có trong di tích) trong đời sống xã hội; về hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, nhân dân trong việc bảo vệ, giữ gìn yếu tố gốc cấu thành di tích.

Bên cạnh đó sẽ tiếp tục kiện toàn và nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý và các cá nhân trông nom trực tiếp tại di tích ; tiếp tục rà soát và phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về di tích giữa cấp huyện và cấp xã.

Việc hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý và công tác tu bổ di tích cũng cần phải phát huy trách nhiệm của giám sát cộng đồng nhằm kịp thời phát hiện sai sót trong quá trình lập dự án, quá trình bảo quản, tu bổ và sử dụng, phát huy giá trị di tích cũng sẽ được tăng cường. Trong đó chú trọng giám sát chuyên môn; làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong quản lý tu bổ di tích, gắn với trách nhiệm cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm, xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tu bổ di tích.

Hiện Sở Văn hóa và Thể thao cũng đang đề nghị Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu về bộ máy nhân sự tham gia quản lý di tích cấp huyện; tiếp tục phối hợp với Ban tôn giáo các quận, huyện, thị xã trong việc tuyên truyền tới các nhà sư, người trụ trì di tích thực hiện nghiêm pháp luật về di sản và mở các lớp tập huấn cho những đối tượng liên quan.

Bên cạnh đó, cũng kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích; đào tạo thợ lành nghề trong các lĩnh vực.

Minh Anh

Top