Tăng cường quản lý chi ngân sách Nhà nước

02/11/2015 3:52 PM

(Chinhphu.vn) - Bám sát các chương trình, kế hoạch công tác và nhiệm vụ trọng tâm của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và Bộ Tài chính, trong những năm qua, Sở Tài chính Hà Nội đã chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu UBND Thành phố những giải pháp tăng cường công tác quản lý chi ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.

 

Đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Huy động nguồn lực để phát triển kinh tế

Trình bày tham luận tại Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, những năm qua, Sở Tài chính đã tập trung tham mưu Thành phố huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển kinh tế Thủ đô thông qua việc: Xây dựng trình Thành phố ban hành các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, các quỹ Tài chính địa phương triển khai huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân vào đầu tư phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.

 

Chủ động đề xuất Thành phố các giải pháp tăng cường chống thất thu ngân sách, đôn đốc kịp thời các khoản nợ vào ngân sách; sắp xếp, tiết kiệm chi thường xuyên tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển; phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô, Tham mưu UBND Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức dư nợ nguồn vốn huy động nhằm đáp ứng nguồn vốn thực hiện các công trình trọng điểm, các dự án quan trọng của Thành phố, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, sớm đưa vào hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô (dự kiến hết năm 2015 vốn huy động đạt 11.400 tỷ đồng).

Đồng thời, kiến nghị UBND Thành phố, Bộ Tài chính sắp xếp xử lý các cơ sở nhà đất tạo nguồn thu cho ngân sách, tăng hiệu quả sử dụng đất đai, cải thiện cảnh quan đô thị. Đến nay, đã sắp xếp lại, xử lý tại 47 bộ, ngành Trung ương và 17 Tổng Công ty nhà nước, với 1.439 cơ sở nhà đất; 1.139 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc thành phố với 10.579 cơ sở nhà đất (thu về ngân sách sau sắp xếp là 4.403 tỷ đồng).

Cùng với huy động các nguồn lực tài chính, công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính chặt chẽ hiệu quả được hết sức coi trọng từ khâu lập, chấp hành, quyết toán ngân sách trên cơ sở tham mưu ban hành các quy định; Tham mưu phân bổ hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ NSNN trong đó tập trung nguồn vốn đầu tư các dự án trọng điểm, các dự án dân sinh bức xúc, các dự án xây dựng nông thôn mới, đầu tư nhà tái định cư. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trong quá trình quản lý sử dụng ngân sách, phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót trong quản lý.

Thu, chi NSNN vượt dự toán

Ông Nguyễn Doãn Toản cho biết, những giải pháp trên đã góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ thu, chi NSNN trên địa bàn đạt và vượt dự toán. Trong 5 năm (2011 – 2015), tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 714 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,1%/năm. Chi ngân sách địa phương ước là 273 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân 7,7%/năm; Thành phố đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm (2011 - 2015) ước đạt 1.400 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, đến nay trên địa bàn Thành phố có 161 dự án xã hội hóa được chấp thuận địa điểm và thực hiện dự án với số vốn đăng ký khoảng 31.955 tỷ đồng, diện tích đất khoảng 337,9 ha.

Trong đó có 16 dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng với số vốn khoảng hơn 2.228,6 tỷ đồng; 25 dự án đang triển khai xây dựng; 120 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Lĩnh vực đô thị Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 55 dự án xây dựng bãi đỗ xe trên địa bàn Thành phố đến hết năm 2014, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 13 dự án...

Vốn đầu tư từ nguồn NSNN được tập trung đầu tư các công trình hạ tầng khung, các công trình quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế. Trong 5 năm qua (2010 – 2015), Thành phố đã thực hiện nhiều dự án và chương trình lớn, ưu tiên hạ tầng đô thị, kịp thời bổ sung vốn cho các công trình trọng điểm. Diện tích công viên cây xanh, hồ nước tăng lên. Hệ thống bệnh viện, trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khu vực ngoại thành được tập trung đầu tư theo chủ trương của Thành ủy (hàng năm ngân sách thành phố đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn); ước đến hết năm 2015 toàn thành phố sẽ có 179/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 46,4% tổng số xã, cao so với tỷ lệ 20% của cả nước.

Một số bài học kinh nghiệm

Đồng chí Nguyễn Doãn Toản cho rằng, dù đã nỗ lực song nguồn lực tài chính so với nhu cầu còn thấp; công tác quản lý và sử dụng vốn ngân sách dù đã có những chuyển biến tuy nhiên vẫn còn hạn chế; hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, tài sản công, nhất là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước còn chưa cao, có lúc, có nơi còn lãng phí.

Do đó, ông Toản đưa ra một số bài học như cần bám sát các quy định của pháp luật, chủ trương, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể sát với thực tiễn; chủ động nắm bắt ý kiến phản hồi từ cơ sở, doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; đa dạng hóa các phương pháp huy động vốn cho đầu tư phát triển Thành phố phù hợp với quy định của pháp luật.

Tiếp tục xem xét phát hành trái phiếu xây dựng công trình cho một số dự án thuộc lĩnh vực y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đê điều, thủy lợi. Phối hợp với các Bộ kêu gọi tài trợ chính thức của nước ngoài cho các dự án lớn có yêu cầu kỹ thuật cao; Rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách Tài chính theo thẩm quyền của Thành phố; tăng cường công tác quản lý chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả,…

Thùy Linh

Top