Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp

17/06/2016 11:12 AM

(Chinhphu.vn) - Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Sự cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp dân doanh đánh giá tích cực.

Ảnh minh họa

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết điều này tại Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nhiều điểm sáng thu hút đầu tư

Từ đầu năm đến 31/5/2016, Hà Nội thu hút thêm 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 3 lần so với cùng kỳ, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Số dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước (68 dự án) với số vốn tăng 2,44 lần (70.421 tỷ đồng).

Số vốn thu hút theo hình thức PPP tăng 4,2 lần so với giai đoạn 2011-2015. Số vốn của doanh nghiệp dân doanh đăng ký mới tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,63 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 9.367 doanh nghiệp, tăng 23%.Thu ngân sách trên địa bàn 5 tháng đầu năm đã đạt hơn 50% dự toán.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh của Hà Nội đã có nhiều điểm điểm sáng, chất lượng. Các doanh nghiệp đánh giá cao Hà Nội về chất lượng lao động, và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp tại Hà Nội đã có những cải thiện nhất định, cùng với nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đang tạo nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với vị thế của thủ đô. Bản thân cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Hà Nội đang còn nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp như thuế (45%), bảo hiểm xã hội (42%), đất đai (36%). Riêng với lĩnh vực đất đai, trong số 19% doanh nghiệp có thực hiện thủ tục hành chính đất đai trong 2 năm gần nhất, có tới 49% cho biết gặp khó khăn trong thực hiện vấn đề này.

Theo ông Lộc, khó khăn chính hiện nay là thời gian giải quyết không đúng thời hạn văn bản quy định hoặc niêm yết (51%), có chi trả chi phí không chính thức (44)% và cán bộ hướng dẫn không đầy đủ, chi tiết (38%). Đối với doanh nghiệp muốn mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó khăn lớn nhất vẫn là lo ngại thủ tục hành chính phức tạp (46%), giải phóng mặt bằng chậm (22%) và quy hoạch đất đai chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (21%).

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Để có thể cải thiện điểm số trên bảng xếp hạng PCI, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng điểm mà doanh nghiệp hiện này còn gặp nhiều “phiền hà” nhất như thuế, bảo hiểm xã hội và đất đai.

Đồng thời, ông Vũ Tiến Lộc cũng đưa ra một số kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể 50-57% doanh nghiệp lớn cho biết họ thường bị thanh, kiểm tra “trùng lặp”. Do đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hà Nội cần có các giải pháp kiên quyết thực hiện các đoàn thanh tra, kiểm tra vào doanh nghiệp không quá một lần và chỉ vào lần thứ hai khi có những dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Thêm vào đó là bảo đảm việc không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế dân sự.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các doanh nghiệp. Tăng cường thông tin về hội nhập đối với các doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do… nhưng theo điều tra của VCCI, tỷ lệ các doanh nghiệp của Hà Nội biết sâu về các hiệp định này là rất thấp, thậm chí chỉ có 5% doanh nghiệp Hà Nội cho biết nắm kỹ thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN.

“Các doanh nghiệp của thành phố cần nắm bắt thông tin để có thể chuẩn bị tốt hơn cho việc tận dụng cơ hội, cũng như giảm thiểu thách thức từ những hiệp định quan trọng này”, ông Lộc nói.

Theo Chủ tịch VCCI, TP Hà Nội cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tạo thuận lợi hơn trong thành lập doanh nghiệp, tiếp cận đất đai dễ dàng, và tăng cường cung cấp thông tin chính sách, pháp luật tới doanh nghiệp. Cùng với đó là khơi thông việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo điều tra chung của VCCI thì chỉ có khoảng 37% doanh nghiệp Hà Nội phản hồi có tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, thấp đáng kể so với mức bình quân chung cả nước (tỷ lệ chung cả nước là khoảng 53%).

“Trong quá trình xây dựng chính sách, quy định của thành phố cũng như việc rà soát sửa đổi quy trình giải quyết thủ tục hành chính, thành phố cần tiếp tục tham khảo rộng rãi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để có thể có những giải pháp phù hợp và khả thi trong thời gian tới. VCCI sẵn sàng đồng hành và tham gia cùng Hà Nội nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Thủ đô trong thời gian tới”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Đặc biệt, Hà Nội cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Diệu Anh

Top