Tao nhã mai trắng làng Tứ Liên

17/02/2018 12:02 PM

(Chinhphu.vn) - Tao nhã và tinh tế là những mỹ từ thường được nhắc đến khi nói về thú chơi mai trắng-“Nhất chi mai” của Hà Nội mỗi dịp Tết đến Xuân về, điều đặc biệt để người chơi thưởng thức hơn nữa là trời càng lạnh cánh hoa càng dày, hoa càng trắng trong, tinh khiết.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc bên vườn mai của gia đình. Ảnh: Hòa An

Vùng đất Tứ Liên, quận Tây Hồ vốn nổi tiếng với nghề trồng quất cảnh phục vụ người dân dịp Tết, nhưng vùng đất nổi tiếng này còn có những con người dành cả tình yêu thương của mình cho để giữ gìn và phát triển “Nhất chi mai”, loài hoa đã đi vào thi ca, được ví như cốt cách của người quân tử, là nét đặc trưng cho không khí Tết cổ truyền trong gia đình người Hà Nội xưa.

"Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa"-Cao Bá Quát

(Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ

Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai)

Gặp gia đình anh chị Nguyễn Văn Sơn, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ vào một ngày giáp Tết Âm lịch, bắt đầu câu chuyện chị Kim Ngọc đã đọc cho tôi nghe những vần thơ, những điển tích trong văn chương gắn liền với “Nhất chi mai”, điển hình là đôi câu đối của Cao Bá Quát. Chị Kim Ngọc chia sẻ, mai là hình ảnh tiêu biểu của người trung tín, ngoan cường, khí phách, cúi đầu trước mai là cúi đầu trước biểu tượng về khí phách hiên ngang, bất khuất của người quân tử.

Nằm giữa vùng đất Tứ Liên, vườn mai trắng của gia đình anh Sơn, chị Ngọc gồm gần 400 gốc nhất chi mai, trong đó nhiều gốc có tuổi đời vài chục năm. Đã 30 năm trong nghề trồng cây cảnh, anh Sơn kể rằng anh chị đều là người con từ đất làng đào, làng quất, mê mai trắng và trồng mai đã hơn 20 năm nay. Chị Ngọc chia sẻ, từ trồng mai rồi chị mê mẩn những câu thơ, những điển tích, những câu đối của cổ nhân về hoa mai trắng, trong vườn mai của anh chị bây giờ ngoài hoa mai còn rất nhiều sách và những vần thơ về nhất chi mai được chính chị sáng tác vì đã quá yêu nghề.

3. “Nhất chi mai” loài hoa đã đi vào thi ca, được ví như cốt cách của người quân tử. Ảnh: Hòa An

Nói về nghề trồng mai, chị Ngọc cho biết, mai trắng ưa chăm sóc tỷ mỉ, cầu kỳ, gần 20 năm trong nghề những thời gian đầu tiên do chưa có kinh nghiệm chiều chuộng loại hoa khó tính này không thiếu những lần gia đình bị thất bát. Nhưng những năm được mùa thì niềm vui đến không chỉ vì tính kinh tế mà còn vì mình đã vượt lên được bản thân, tìm ra cách để chăm giống cây này.

Với gần 400 gốc mai, khách hàng của gia đình anh Sơn, chị Ngọc chủ yếu là những người sành chơi, là những khách hàng lâu năm của nhà anh chị. Những gốc mai này chủ yếu là cho thuê với giá từ 3 triệu đến hơn 10 triệu đồng, hết Rằm tháng Giêng khách lại trả gốc mai về vườn. Nhất chi mai là loài hoa khó trồng và kén người chơi nên chỉ những bình mai nhỏ để trên bàn thờ, trên bàn khách của gia đình mới được bán hẳn cho khách hàng. Trung bình thời gian chơi hoa mai trắng kéo dài được hơn một tháng.

2. Nhất chi mai-nét đặc trưng cho không khí Tết cổ truyền trong gia đình người Hà Nội xưa. Ảnh: Hòa An

Giới thiệu về từng gốc mai, chị Ngọc cho biết đã nhiều lần đếm từng cánh mai trên một bông hoa do chính tay mình chăm sóc, lần nhiều nhất chị đếm được 92 cánh hoa trên một bông. Loại mai trắng này thường cho hoa nhỏ, mỗi bông chỉ có 30-40 cánh, nhưng theo chị Ngọc nếu biết chăm sóc thì số cánh lên đến gấp rưỡi hay gấp đôi không hiếm nhưng cực kỳ kỳ công.

Việc trồng mai bắt đầu ngay từ ra Giêng, theo anh Sơn, vườn mai lúc nào cũng để sẵn nhiệt kế để xem nhiệt độ, tùy thuộc vào mùa ấm, lạnh, nồm hay hanh, mà phải điều chỉnh che chắn cho thích hợp. Rồi theo dõi từng chồi để lựa chọn giữ  cái nào, bỏ đi cái nào. Anh Sơn cho biết, sau nhiều năm “ăn cùng, ngủ cùng” mai mới có thể đúc kết ra được phương pháp cho riêng mình. Ngoài công đoạn đó ra còn phải tạo thế, uốn dáng cho hoa bởi những người sành chơi lựa hoa rất kỹ và lựa hoa chơi Tết từ rất sớm, cây có thế dáng độc đáo rồi mới bàn đến giá cả. Tiếp nữa là làm thế nào để mai ra hoa đúng dịp Tết, hoa phải trắng trong, hoa đẹp, cánh hoa dày mới là thành công ở mỗi mùa mai đón Tết.

Với ý nghĩa tao nhã, thanh khiết của mai trắng, nhiều khách hàng lựa chọn những chậu mai nhỏ để lên bàn thờ gia tiên hay đặt trang trọng trong phòng khách. Vì vậy, theo chị Ngọc, anh chị chỉ dưỡng cây bằng đỗ tương xay mà không dùng bất kể loại phân bón nào để giữ tinh túy và cốt cách cho cây, xứng đáng với nét văn hóa thanh cao gắn liền với nhất chi mai từ bao đời nay.

Hòa An-Đỗ Hương

Top