Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng

04/12/2021 10:58 AM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội sắp ban hành hai Chỉ thị liên quan đến quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng và quản lý đất đai, khai thác khoáng sản… với mong muốn sẽ khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong các lĩnh vực này trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Hà Nội nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy với công tác quản lý đất đai

Nhằm tăng cường công tác quản lý về đất đai, Thành ủy Hà Nội sắp ban hành 2 Chỉ thị được đánh giá là quan trọng với Thủ đô trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đó là Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố” và Chỉ thị về “Công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trong thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng đô thị và công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã cơ bản được giải quyết. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước được củng cố.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, công tác quản lý bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như tiến độ triển khai các nhiệm vụ quy hoạch còn chậm, chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao, thường xuyên phải điều chỉnh; công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát sinh nhiều vụ việc vi phạm; nhiều dự án về đất đai chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước.

Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý làm phát sinh các vụ việc vi phạm lớn về quản lý đất đai, về đấu giá quyền sử dụng đất; các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm phần lớn các vụ việc, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của Thành phố. Tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông, khai thác đất làm vật liệu xây dựng trái phép vẫn phát sinh rất phức tạp, chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời, gây mất an ninh trật tự và bức xúc cho nhân dân.

Những tồn tại, hạn chế và yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng lãnh đạo Thành phố đánh giá, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Sự thiếu lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy và sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương, cùng sự thiếu trách nhiệm và sự hạn chế về năng lực, trình độ của 1 bộ phận cán bộ là những nguyên chính dẫn đến những khuyết điểm, yếu kém còn tồn tại.

Để khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai và khoáng sản; Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban cán sự UBND Thành phố xây dựng 2 Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với 2 lĩnh vực rất quan trọng này.

Tạo chuyển biến mới; khắc phục vi phạm, buông lỏng quản lý

Về vi phạm trật tự xây dựng, từ năm 2016-2020, số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội đã giảm mạnh. Năm 2016 tỷ lệ công trình vi phạm là 13,9%; năm 2017 là 10,99%; năm 2018 là 5,28%; năm 2019 là 3,07% và năm 2020 là 2,13%. Riêng năm 2020 trên địa bàn thành phố có tới 18.878 công trình xây dựng, các lực lượng chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 402 trường hợp (chiếm tỷ lệ 2,13%) có vi phạm.

Trong 10 tháng năm 2021, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 14.772 công trình (đạt 100% công trình), qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 330 trường hợp có vi phạm (chiếm tỷ lệ 2,24%).

Tuy các vụ việc vi phạm trong các lĩnh vực có giảm, nhưng theo các đại biểu thảo luận tại kỳ họp lần thứ 6, BCH Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVII vừa diễn ra thì việc ban hành 2 Chỉ thị sắp tới là rất cần thiết để quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, công chức, đổi mới lề lối làm việc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý; quy định rõ trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu các cấp nếu để xảy ra vi phạm, sai phạm trên địa bàn, trong lĩnh vực được phân công phụ trách…

Theo dự thảo, cả hai Chỉ thị đều có trọng tâm củng cố tổ chức bộ máy, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương pháp luật, kỷ luật công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, xử lý nghiêm lãnh đạo cấp ủy, người đứng đầu để xảy ra vi phạm.

Đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, Thành phố nghiên cứu xây dựng các đề án quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc đối với các khu vực đặc thù như: Khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực hai bên sông Hồng, sông Đuống, các đô thị mới… Trong quản lý trật tự đô thị, chú trọng đầu tư, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; đẩy nhanh hạ ngầm cáp điện, cải tạo chất lượng các công viên cây xanh công cộng tại khu vực trung tâm. Khuyến thích đầu tư các bãi đỗ xe tập trung, các bãi đỗ xe ngầm, các giải pháp công nghệ trong quản lý vận hành bãi đỗ xe, giảm thiểu tình trạng dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định…

Các quận, huyện, thị xã sẽ chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Đối với công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn, dự thảo có mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, đưa tài nguyên đất đai, khoáng sản trở thành nguồn lực phát triển quan trọng của Thành phố là mục tiêu cơ bản. Hoàn thành dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của Hà Nội làm nền tảng áp dụng công nghệ quản lý hiện đại.

Dự thảo cũng nêu xử lý dứt điểm tình trạng các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, không để tình trạng này tái diễn. Quản lý chặt chẽ quỹ đất công, đất nông nghiệp, đất rừng, đất ngoài bãi sông, không để xảy ra tình trạng mua bán, bao chiếm, tích tụ, chuyển mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái pháp luật. Rà soát các vụ việc sai phạm, khiếu nại, tố cáo tồn đọng và có kế hoạch xử lý, giải quyết dứt điểm.

Theo Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, việc thực hiện quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên, quản lý khoáng sản vừa là nguồn lực vừa là yêu cầu trong công tác quản lý tại Hà Nội. Vì vậy, việc Hà Nội lựa chọn ban hành hai chỉ thị nêu trên là nội dung đúng, trúng trong triển khai, đánh giá nhiệm vụ trong thời gian qua và định hướng quản lý đô thị trong thời gian tới.

Việc quan trọng nhất trong 2 chỉ thị là tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan liên quan; từ Thành phố đến cấp cơ sở để tạo chuyển biến mới, khắc phục được vi phạm, khắc phục việc buông lỏng quản lý đối với các lĩnh vực này. Các cấp ủy đảng cơ sở phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong các nhóm vấn đề của 2 chỉ thị, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh vào vấn đề quan trọng là không để xảy ra các phát sinh mới; xử lý, khắc phụ dứt điểm các hạn chế, yếu kém, vụ việc tồn đọng. Các vụ việc còn tồn tại, vi phạm cần khoanh vùng lại để có cách thức xử lý. Trong việc thực hiện quy hoạch, ngoài các quy hoạch chung của Thành phố, quy hoạch chuyên ngành, Thành phố sẽ triển khai quy hoạch không gian ngầm, bên cạnh đó là quy trình, quy định để phối hợp hiệu quả, đi kèm với đó là hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch.

Gia Huy

Top