Tạo thói quen tiêu dùng không dùng tiền mặt

23/07/2022 9:30 AM

(Chinhphu.vn) - Để tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như ngân hàng, trung gian thanh toán, thương mại điện tử, bán lẻ, giao nhận... đã tích cực phát triển thêm nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo nhiều nền tảng dễ sử dụng cũng như nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng.

Tạo thói quen tiêu dùng không dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Hướng dẫn khách hàng cài đặt các nền tảng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: VGP/Bích Phương

Sau khi Hà Nội cơ bản kiểm soát được tình hình dịch COVID-19, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp hữu hiệu để đạt "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái "bình thường mới".

Trước đây, việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ dừng lại ở việc sử dụng thẻ ATM hoặc các giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, thì nay người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại thông minh để quản lý tài khoản và thanh toán nhanh chóng bằng các giải pháp như xác thực sinh trắc học vân tay, khuôn mặt. Tính năng thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code) cũng ngày càng trở nên phổ biến hơn vì tính thuận tiện, đơn giản của hình thức này. Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán không tiếp xúc được nhiều cửa hàng, đơn vị áp dụng.

Chia sẻ với phóng viên, bà Châu Giang, Giám đốc Marketing ngân hàng SHB cho biết, trong dịch COVID-19 vừa qua, việc khách hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên rất nhiều. Nếu như 2 năm trước lượng khách hàng sử dụng Internet banking hay mobile app trong các hoạt động giao dịch chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn thì năm qua đã tăng trưởng lên đến 2, 3 con số.

Để đạt được kết quả này cũng là nhờ sự vào cuộc rất mạnh mẽ từ cơ quan Nhà nước, các bộ, sở ban ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, Sở Công Thương như việc tổ chức các hoạt động "Chuỗi ngày không tiền mặt"; thúc đẩy việc sử dụng không tiền mặt, khuyến khích thanh toán điện tử. Cụ thể nhất là các hoạt động khuyến mại cũng như là hướng dẫn, tuyên truyền cho khách hàng hiểu, sử dụng không dùng tiền mặt là như thế nào? Từ giao dịch tại quầy đến giao dịch tại internet hay app dễ dàng và được lợi như thế nào?

Chia sẻ về giải pháp trong thời gian tới để tăng lượng khách hàng không dùng tiền mặt, theo bà Châu Giang, trước tiên cần có nền tảng thanh toán dễ dùng và thân thiện; sau đó là các hoạt động về liên kết với các đối tác để làm sao có nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng…

Ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc AEON Long Biên cho biết, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt của AEON Việt Nam đã tăng tương đối. Trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ này đạt gần 50% và mục tiêu của AEON thời gian tới là có lượng khách hàng không dùng tiền mặt đạt trên 50%.

"Hiện tại AEON Long Biên có sử dụng các Kios, hệ thống quầy thu ngân không dùng tiền mặt, tốc độ thanh toán nhanh gấp 4 lần so với thanh toán dùng tiền mặt. Khách hàng sẽ được thanh toán online, VN Pay, quét mã QR cũng như sử dụng quẹt thẻ ATM. Ngoài ra cũng có quầy Kios tự động chọn món và tự thanh toán. Nhờ có các quầy thu ngân này, tốc độ xử lý các đơn hàng mua sắm đã được đẩy nhanh, đồng thời, người tiêu dùng không cần mang theo tiền mặt khi đi mua sắm", ông Đàm Mạnh Tuấn cho biết thêm.

Cũng theo ông Đàm Mạnh Tuấn, để người tiêu dùng ngày càng tiếp cận nhiều hơn với thanh toán không dùng tiền mặt, đơn vị đã phối hợp với các ngân hàng và các đơn vị thanh toán để có nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời phát triển thêm nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như thêm nhiều quầy thu ngân tự động…

Về khía cạnh khách hàng, chị Nguyễn Thu Hằng (ở phố Nguyễn Khánh Toàn, quận Ba Ðình) chia sẻ: "Thời gian gần đây, tôi ít khi cầm nhiều tiền mặt theo người bởi các hoạt động mua sắm, ăn uống đều có thể thanh toán qua ứng dụng ngân hàng hoặc thẻ ATM. Nhờ các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, việc mua sắm trở nên dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí".

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kỹ thuật số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh nhận định, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ngày càng được mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến, trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế số. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, chính là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan chia sẻ: "Thông qua các chuỗi hoạt động của sự kiện không dùng tiền mặt, chúng tôi hy vọng đông đảo người dân sẽ hưởng ứng tham gia, tạo thói quen tiêu dùng không tiền mặt khi giao dịch và mua sắm, góp phần thêm động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại điện tử".

Có thể thấy, TP. Hà Nội đang cố gắng thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, đẩy nhanh tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế, hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt trong tương lai.

Bích Phương

Top