Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Đức Hạnh - ‘Người chiến sĩ lặng thầm’

10/10/2021 6:18 AM

(Chinhphu.vn) - Bày tỏ niềm vui khi nhận danh hiệu ''Công dân Thủ đô ưu tú Thủ đô'' năm 2021, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội bày tỏ niềm vui, sự trân trọng khi danh hiệu được trao cũng đúng dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021).

Với 35 năm cống hiến cho ngành Y tế Thủ đô, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có gần 20 năm làm về công tác phòng, chống dịch - một lĩnh vực “luôn lặng thầm” và mang tính chất đặc thù khi bác sĩ thường xuyên phải xuống tận nhà dân để tìm nguồn bệnh…

PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh. Ảnh: Thiện Tâm

Xuống tận nhà, vào từng ổ dịch…

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Những năm tháng tuổi thơ nhiều khó khăn nhưng ông vẫn rất may mắn khi được gia đình cho học hành đầy đủ. Ngay từ những năm học cấp III trung học, ông đã nuôi dưỡng ước mơ được trở thành bác sĩ và ước nguyện đã thành hiện thực. Sau 6 năm học tập, khi vừa hoàn thành tốt nghiệp, ông quay về quê nhà công tác tại Bệnh viện Ba Vì.

Trải qua nhiều vị trí khác nhau, đến năm 2008, ông giữ chức Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và giữ cương vị, cống hiến hết mình cho đến khi về hưu. Trong 35 năm công tác trong ngành Y thì có đến gần 20 năm ông làm công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, trong ông cũng lưu giữ rất nhiều dấu ấn, kỷ niệm về nghề.

Từ tháng 8/2008 đến 7/2021, trên cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh đã cùng tập thể Ban Giám đốc Sở lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được Bộ Y tế, Thành phố Hà Nội giao, đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Đề xuất, tham mưu kịp thời cho thành phố trong chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh; lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời triệt để, qua đó đã khống chế thành công một số bệnh dịch nguy hiểm như: Dịch tả (các năm 2007, 2008), các bệnh dịch mới nổi như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, Ebola…; đồng thời đã tham mưu xây dựng Đề án nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đã được UBND thành phố phê duyệt. Đề án là cơ sở để hệ thống giám sát dịch được đầu tư cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị có thể ứng phó có hiệu quả trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh.

Theo Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Đức Hạnh, trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Hà Nội có đặc thù riêng do là Thủ đô của cả nước và cũng là thành phố đông dân, là trung tâm văn hóa chính trị, kinh tế lớn nên tuy có những nét giống TPHCM nhưng cũng khác hẳn TPHCM. Là Thủ đô nên các chính sách trên địa bàn Thành phố cũng hết sức nhạy cảm, tác động rất lớn không những đối với Thành phố mà còn đến cả nước. “Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là việc phòng chống dịch đối với Hà Nội là rất nhạy cảm và có thể nói là rất khó, bởi vẫn biện pháp ấy nếu làm ở các tỉnh, thành khác thì có thể làm được nhưng Hà Nội lại là vấn đề khó. Hơn nữa, những thông tin phòng, chống dịch người dân sống ở Hà Nội cần phải nắm bắt kịp thời, nhanh chóng và minh bạch. Những biện pháp đưa ra phải hết sức linh hoạt, phù hợp’, Thầy thuốc Hoàng Đức Hạnh nói.

Phòng chống dịch rất khác với công tác khám, chữa bệnh. Bác sĩ ở bệnh viện và người dân có bệnh thì phải đến tìm bác sĩ để được khám, chẩn đoán điều trị. Nhưng làm công tác phòng, chống dịch bệnh thì hoàn toàn khác khi bác sĩ phải đến với người dân, xuống tận nơi.

“Điều này không phải chỉ đơn giản là xuống xem xét dịch bệnh mà nó còn có ý nghĩa chăm sóc sức khỏe cho cả một cộng đồng. Hà Nội đã trải qua nhiều đợt dịch bệnh khác nhau, bản thân tôi đã thường xuyên xuống tận hộ gia đình, tận ổ dịch để xem ổ dịch như thế nào, để từ đó đánh giá được tình hình và đưa ra biện pháp. Như với dịch sốt xuất huyết phải len vào từng ngóc ngách, leo lên trần nhà, bể nước, chui cả bể nước ngầm để xem có loăng quăng, bọ gậy… Đây là điều khác biệt của những người làm công tác phòng, chống dịch”, ông Hoàng Đức Hạnh chia sẻ.

Chính điều đó đã làm nên những cống hiến lặng thầm của các y, bác sĩ làm công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt qua dịch COVID-19 vừa rồi, giai đoạn đầu các trường hợp dương tính rất ít, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, sau này khi số ca tăng lên, trong đợt dịch thứ 4 Hà Nội có hơn 3.000 ca mắc COVID-19 và hàng chục nghìn người đưa đi cách ly và làm rất nhiều xét nghiệm. Công việc đó hoàn toàn là của những người làm công tác dự phòng.

Ông Hạnh chia sẻ, có những hôm phong tỏa tạm thời một khu vực, phải tập trung làm xét nghiệm nhanh chóng, anh chị em của lực lượng Y tế dự phòng phải làm việc đến 1, 2h sáng, nhưng như vậy vẫn chưa hết, khi về còn phải tiếp tục đóng gói vận chuyển, xét nghiệm, lúc đó mới được nghỉ ngơi. Ngay cả bản thân ông, không chỉ trong 2 năm qua mà trong cả suốt quá trình làm việc rất ít khi xin nghỉ phép, chỉ trừ khi có việc bắt buộc ông mới xin nghỉ.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Thiện Tâm

Góp phần bảo đảm sức khỏe cho nhân dân Thủ đô

Trong những năm công tác, ông Hoàng Đức có nhiều kỷ niệm khi trực tiếp tham gia chống nhiều đợt dịch bệnh khác nhau, điển hình như dịch SARS năm 2003; H5N1… đều là những dịch bệnh nguy hiểm.

Ngoài ra, PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh còn trực tiếp tham mưu công tác tiêm chủng, công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nhiều năm liền, ngành Y tế Hà Nội được Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đánh giá là địa phương triển khai có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, PGS.TS Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh đã tham mưu Thành phố xây dựng Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoan 2011-2020, tầm nhìn 2030; Đề án “Triển khai mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại một số phường, thị trấn thuộc thành phố giai đoạn 2013-2015”; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả, trong nhiều năm qua, Hà Nội không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

Năm 2019, ngay từ khi có thông tin về các ca bệnh viêm phổi lạ tại Vũ Hán (Trung Quốc), PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh đã cùng tập thể Ban Giám đốc Sở Y tế tham mưu kịp thời thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Kịp thời tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch do chủng mới của virus Corona theo các cấp độ dịch, các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch theo diễn biến tình hình dịch phù hợp với thực tiễn của Thành phố, góp phần trong công tác bảo đảm sức khỏe cho nhân dân Thủ đô.

Chia sẻ về công tác chống dịch COVID-19, theo ông Hạnh, Hà Nội ngay từ những ngày đầu chống dịch đã rất chủ động và có sự chỉ đạo khẩn trương, kịp thời cùng các biện pháp linh hoạt, đã phát hiện sớm và truy vết nhanh chóng. Vì vậy đến giờ này Hà Nội vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Hà Nội vẫn đang đi đúng hướng và chắc chắn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Dịch bệnh cũng đã nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ Thành phố xuống cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Hà Nội kiểm soát được dịch COVID-19 là kết quả của tổng thể từ sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương đến Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của Thành phố. Trong đó, có vai trò tham mưu về chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế và các lực lượng tuyến đầu khác như công an, quân đội cùng tất cả các sở, ngành, địa phương… Điều quan trọng để làm nên thành công trong phòng, chống dịch là sự đồng thuận, đoàn kết cùng chống dịch của người dân Thủ đô.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ trong suốt 35 năm qua, PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vinh dự được TP. Hà Nội chọn là 1 trong 9 cá nhân được đề nghị và trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” năm 2021.

Thiện Tâm

Top