Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm so với tháng trước

29/07/2021 5:23 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Sở Công thương Hà Nội, trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với tháng trước và giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa

Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 29,3 nghìn tỷ đồng, giảm 7,9% và giảm 10,6%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 2,3 nghìn tỷ đồng, giảm 8,5% và giảm 54,2%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 178 tỷ đồng, giảm 1,2% và giảm 78,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 9,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% và giảm 25,2%. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 329,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 225,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 68,5% tổng mức và tăng 5,8% (doanh thu xăng, dầu tăng 15,9%; nhiên liệu tăng 22%; hàng may mặc tăng 4,9%; lương thực, thực phẩm tăng 3,2%).

Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 25,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,7% và giảm 9,6% (doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 40,9%; dịch vụ ăn uống giảm 6,5%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,7% và giảm 43,5%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 75,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,1% và giảm 0,7%.

Tháng 7, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, trong đó có địa bàn Hà Nội với nhiều ca nhiễm mới xuất hiện ngoài cộng đồng, số lượng các điểm phong tỏa do dịch liên tục tăng.

Thành phố khẩn trương áp dụng các biện pháp cấp bách nhằm ứng phó với dịch. Từ 0h ngày 13/7/2021, dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ chỉ cho phép bán hàng mang về.

Tuy nhiên, diễn biến dịch ngày càng phức tạp, ngày 18/7/2021 UBND Thành phố có Công điện yêu cầu dừng tất cả các hoạt động dịch vụ không thiết yếu; các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu. Ngày 24/7/2021, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 trong 15 ngày trên phạm vi toàn Thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.  

Giá cả ổn định, hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân

Trước đó, thành phố Hà Nội đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa trong 17 nhóm hàng thiết yếu tại thời điểm có dịch, tăng gấp 3 lần so với tháng thường. Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 03 tháng khoảng 194 nghìn tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21,5 nghìn tỷ đồng. Xây dựng kịch bản theo 3 cấp độ lây lan của dịch phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa. Thành phố đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết, huy động 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện đưa hàng kịp thời đến các điểm bán. Thông tin về các điểm bán hàng đến người dân trên địa bàn Thành phố để thuận tiện trong việc mua sắm hàng hóa.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện tại đa số các doanh nghiệp đã dự trữ tăng từ 30%-50% lượng hàng hóa thiết yếu, các hệ thống phân phối lớn đã tăng cường lương thực, thực phẩm nhiều hơn (hệ thống Vinmart tăng gấp 3-5 lần lượng hàng; hệ thống BRG tăng gấp 3 lần đối với 13 mặt hàng thiết yếu); Mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau, thịt, cá ...) đảm bảo đủ lượng hàng hóa cung ứng liên tục từ 9-15 ngày, các mặt hàng khác đảm bảo cung ứng liên tục từ 30-45 ngày kể cả khi sức mua tăng gấp 2, 3 lần so với bình thường. Đồng thời, để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm; các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Nhờ có sự chuẩn bị sẵn sàng về hàng hóa, nhân lực và công tác tuyên truyền, sau khi xuất hiện hiện tượng tăng mua đột biến tại các hệ thống bán lẻ vào tối ngày 18/7/2021 (lượng hàng hóa bán ra tăng từ 1,5 đến 3 lần so với bình thường, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau, thịt, mỳ tôm). Từ sáng ngày 19/7/2021, các doanh nghiệp đã tăng cường nhiều hơn các mặt hàng tươi sống đến các điểm bán nên lượng mua sắm đã trở lại như bình thường, không xảy ra hiện tượng tăng giá và tâm lý dự trữ lương thực, thực phẩm của người dân những ngày cuối tháng 7.

Minh Anh

Top