Tục lệ đưa Táo Quân về trời

20/01/2017 8:09 AM

(Chinhphu.vn) - Theo tục lệ của người Việt, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch là người Việt lại làm lễ cúng và thả phóng sinh cá chép để đưa Táo quân về trời.

Thả cá chép “phóng sinh” vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Ảnh Hòa An

Đây là tín ngưỡng dân gian giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta sống tích cực, lương thiện, làm việc tốt … Theo tục lệ nàycứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mọi nhà đều tất bật sửa sửa soạn cúng Táo Quân (nhiều nơi còn gọi là ông Công, ông Táo) lên chầu trời.

Theo quan niệm dân gian, do các Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện trong nhà, vào cuối năm, Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt, xấu của gia chủ trong năm.

Chính vì vậy, vào ngày này, gia chủ sẽ chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, ban thờ gọn gàng, sạch sẽ. Tùy điều kiện mỗi gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng gồm các món truyền thống, ba bộ quần áo bằng vàng mã, ba con cá chép sống, cùng xôi, chè, hoa tươi, quả đẹp tiễn ông Táo về chầu trời.

Theo quan niệm của người Việt, ba vị thần được gọi Táo quân có quyền định đoạt phước đức cho gia đình. Thông thường, lễ vật cúng Táo công gồm mũ Táo quân gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các Táo ông thì có hai cánh chuồn, mũ dành cho Táo bà không có cánh chuồn.

Ngoài các đồ lễ, người dân thường chuẩn bị một đôi hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, sau khi cúng xong sẽ đem thả cá “phóng sinh” ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa Táo quân về trời.

Người dân cũng quan niệm, đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Tục lệ cúng Táo quân hàng năm và thả cá chép “phóng sinh” là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt.

Một số hình ảnh tiễn Táo quân về chầu trời của người dân Thủ đô trong ngày 23 tháng Chạp:

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch là người Việt lại làm lễ cúng và thả phóng sinh cá chép để đưa Táo quân về trời. Ảnh: Nhật Bắc

Ảnh: Nhật Bắc

 Ảnh: Nhật Bắc

“Cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó. 

Ảnh: Nhật Bắc

Thả cá “phóng sinh” ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa Táo quân về trời. Ảnh: Nhật Bắc

 

Hòa An - Nhật Bắc

Top