Xác định dạy học trực tuyến là giải pháp lâu dài

21/08/2021 1:37 PM

(Chinhphu.vn) - Ngành GD&ĐT xác định việc dạy học trực tuyến là giải pháp lâu dài, đòi hỏi các nhà trường cần tiếp tục chủ động, linh hoạt. Vì vậy, ngành GD&ĐT Hà Nội cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tổ chức dạy học hiệu quả theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục thực chất trong bối cảnh dạy học trực tuyến.

* Hà Nội sẽ tổ chức khai giảng trực tuyến và truyền hình trực tiếp

* Sẵn sàng phương án học trực tuyến để phòng ngừa dịch bệnh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Gia Huy

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ  đã nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 của Sở GD&ĐT Hà Nội sáng 21/8.

Năm học 2020-2021 có trên 2,1 triệu học sinh các khối lớp

Năm học 2020-2021, Hà Nội có 2.792 trường mầm non, phổ thông và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 159.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 63.290 lớp, hơn 2,1 triệu học sinh (tăng 44 trường xây mới thành lập mới, tăng 2.859 lớp, nhóm lớp; 69.925 học sinh so với cùng kỳ năm học 2019-2020)…

Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai tích cực công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng cũng như phát triển toàn diện các trường học. Tính đến tháng 6/2021, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 62,5%. Toàn thành phố có 22 trường chất lượng cao, trong đó có 16 trường công lập.

Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông đại trà, mũi nhọn, giữ vững thành tích của học sinh Thủ đô trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Dấu ấn nổi bật là tại các kỳ thi Olympic thế giới và khu vực, học sinh Hà Nội đã đạt tổng số 365 giải và 57 huy chương các loại, đặc biệt là kỳ thi Olympic quốc tế các môn Toán học (IMO2021), Vật lý (IphO 2021) và hóa học (IchO 2021).

Nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, năm học 2020-2021, Sở đã tham mưu UBND Thành phố kịp thời triển khai việc dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm Hanoi Stuty giúp các em học sinh “tạm dừng đến trường nhưng không tạm dựng việc học”. Đặc biệt, kỳ thi lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, thời tiết bất lợi. Song, Hà Nội vẫn là địa phương đứng thứ nhất cả nước với 2.286 điểm 10. Năm học này cũng là năm học đầu tiên học sinh các cấp làm bài kiểm tra kết thúc học kỳ 2 bằng hình thức trực tuyến.

Đây là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 1. Đồng thời, lựa chọn, phê duyệt các bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông lớp 2 và lớp 6 để đưa vào giảng dạy trong các nhà trường theo đúng quy trình.

Chủ động, linh hoạt khi dạy học trực tuyến

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm của ngành Giáo dục Hà Nội đặc biệt là phát triển mạng lưới trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh; chủ động chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến hiệu quả, giữ vững chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết ngành Giáo dục xác định việc dạy học trực tuyến là giải pháp lâu dài, đòi hỏi các nhà trường cần tiếp tục chủ động, linh hoạt, tích cực triển khai nhiệm vụ. Ngành Giáo dục Hà Nội cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, coi đây là yếu tố cốt lõi, quan tâm bồi dưỡng giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tổ chức dạy học hiệu quả theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục thực chất trong bối cảnh dạy học trực tuyến.

Ngành GD&ĐT Hà Nội cần có chuyên đề riêng bồi dưỡng cho giáo viên cách dạy học trực tuyến, Bộ cũng đang chuẩn bị xây dựng tài liệu này để tăng cường kỹ năng cho giáo viên thích ứng lâu dài với viêc dạy học trực tuyến.

Lễ khai giảng sẽ truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Thành ủy đã chỉ đạo ngày khai giảng được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh và giáo viên ngay từ đầu năm học mới. Qua đó, khẳng định với người dân, dù khó khăn đến đâu, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn duy trì dạy tốt, học tốt.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, trong tình hình dịch bệnh, ngành cần chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố  đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng trường, lớp, kể cả các khu đô thị mới để không những đạt chỉ tiêu đã đề ra mà cần phấn đấu đủ 100% trường, lớp trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; tiếp tục rà soát hệ thống giáo dục ngoài công lập, các trường tư thục trên toàn Thành phố, đảm bảo quản lý giáo dục theo đúng quy định.

Liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch cho rằng đây là giải pháp hữu hiệu ngay cả khi kết thúc dịch bệnh, do đó, cần  tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, trong đổi mới phương pháp dạy và học; tuyển sinh đầu cấp, chương trình giáo dục, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học sinh; đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính…

Cùng với việc đảm bảo đủ trường, lớp, cần tiếp tục quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đại trà; thực hiện hiệu quả thí  điểm đào tạo chương trình song bằng tại các trường trên địa bàn Thành phố.

Gia Huy

Top