Xây dựng NTM từ ý Đảng lòng dân

07/02/2016 11:18 AM

(Chinhphu.vn) - Với phương pháp, bước đi cách làm phù hợp, Hà Nội đã xây dựng NTM với nhiều nét đặc thù, mang bản sắc riêng của NTM Thủ đô từ tiếng nói chung của ý Đảng lòng dân.

Hà Nội phấn đấu 75% số xã đạt chuẩn NTM. Ảnh: Tú Mai

Độc đáo so với nhiều địa phương

Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, hiện nay Hà Nội được đánh giá là một trong 10 địa phương đứng đầu cả nước về phong trào xây dựng NTM. Đồng thời cũng là đơn vị có số xã đạt chuẩn NTM đứng đầu cả nước. Đến nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng nông thôn mới với 213/401 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 53,12%), nếu không tính huyện Từ Liêm có 201/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 52,07%) vượt kế hoạch đề ra đến năm 2015 là 12,07%. Trước khi xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi xã chỉ đạt và cơ bản đạt 7 tiêu chí; đến nay bình quân mỗi xã đạt và cơ bản đạt 16,9 tiêu chí. Đây là kết quả đáng phấn khởi, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.

Hiện nay Hà Nội không còn xã nào dưới 10 tiêu chí. Ngoài ra, Hà Nội đã có huyện Đan Phượng là huyện đạt chuẩn NTM và có 3 huyện là Hoài Đức, Đông Anh và Thanh Trì được Hội đồng thẩm định Thành phố bỏ phiếu thông qua đề nghị với Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Tuy nhiên, cái đạt được của NTM Hà Nội là ngoài số lượng xã và huyện đạt chuẩn vượt chỉ tiêu thì cái quan trọng lớn hơn chính là phong trào xây dựng NTM đã trở thành một phong trào sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân nông thôn đã vào cuộc một cách chủ động, không ỷ lại như trước đây. Đó chính là cái được rất lớn và là cái được xuyên suốt cho cả giai đoạn tiếp theo. Chính điều đó sẽ bảo đảm không những số xã đạt chuẩn NTM trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thành mà quan trọng sẽ duy trì tính bền vững của các xã đã đạt được chuẩn. Và có thể thấy, cái được đó chính là cái được của ý Đảng lòng dân, nhân dân đã tin tưởng hơn vào chính sách của Đảng, Nhà nước.

Những kết quả trên là minh chứng cho việc ngay từ bước đầu Hà Nội đã chấp hành nghiêm chỉnh các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố đề ra. Đồng thời đã chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, địa phương thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của thành phố. Từ đó đã tìm cho mình phương pháp, bước đi cách làm phù hợp. Với mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân nông thôn và giảm bớt khoảng cách với thành thị nên trong điều kiện ruộng đất còn manh mún, chưa có sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp…

Hà Nội đã nhận thấy được khâu đột phá trong xây dựng NTM chính là dồn điền đổi thửa vì chỉ có dồn điền đổi thửa mới tháo gỡ được những nút thắt khó khăn đó. Chính vì vậy, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt và đã chỉ đạo thành công chương trình xây dựng NTM, triển khai dồn điền đổi thửa, sắp xếp lại đồng ruộng để thực hiện việc qui hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao… vào đồng ruộng và được nhân dân đón nhận hồ hởi. Đây được xem là một đặc thù tiêu biểu của Hà Nội so với các địa phương khác trong cả nước.

Phấn đấu 75% số xã đạt chuẩn NTM

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, hiện nay Hà Nội vẫn còn nhiều xã chưa đạt chuẩn NTM (cuối năm 2015 còn 185 xã), số xã hoàn thành NTM ở các huyện là chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã hoàn thành vượt chỉ tiêu phấn đấu, thì một số huyện kết quả còn thấp như: Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ và Thị xã Sơn Tây. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, không ổn định, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm, kinh tế còn khó khăn. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp; việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Vì vậy, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cho rằng, để đạt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,5-9,0%; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tăng nhanh giá trị sản xuất nông nghiệp/đơn vị diện tích canh tác. Phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế…Phấn đấu đến năm 2020 có thêm từ 4-5 huyện đạt huyện nông thôn mới; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 70-75% tổng số xã (tăng thêm 110-130 xã so với năm 2015); tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 20% lao động xã hội… thì Hà Nội cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Thủ đô

Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, có bước đột phá để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước các cấp cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ ngành nông nghiệp; Tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống trong nông thôn…

Tú Mai

Top