Xem xét Đề án hạn chế xe máy ở nội đô

30/06/2017 1:30 PM

(Chinhphu.vn) - Tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội tới, một trong các nội dung được người dân quan tâm là HĐND sẽ xem xét Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có nội dung sẽ hạn chế xe máy ở nội đô vào năm 2030.

Trưởng ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân-Ảnh Gia Huy

Theo Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”, Hà Nội dự kiến sẽ hạn chế, tiến tới cấm xe máy trong các quận đến năm 2030.

Sự cần thiết của việc xây dựng đề án được TP. Hà Nội cho biết, trong những năm qua Hà Nội đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và đã đạt được những kết quả, chuyển biến, tiến bộ nhất định như hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ theo hướng quy chuẩn, hiện đại, nhiều tuyến đường giao thông trục chính cơ bản được hoàn thành. Thành phố khởi công nhiều tuyến đường vành đai và đưa vào sử dụng nhiều công trình cầu vượt, nút giao thông quan trọng, vận tải hành khách công cộng được phát triển đồng bộ, hiện đại phần nào đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tuy nhiên, thực trạng còn nhiều hạn chế, bất cập, với 5,2 triệu xe máy và gần 500 nghìn ô tô, chưa tính khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông đã tạo áp lực lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội. Tình trạng quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông xảy ra ở nhiều tuyến đường, tuyến phố và các nút giao thông quan trọng trên địa bàn các quận, nhất là các khu vực trung tâm.

Thông tin thêm về đề án, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, HĐND Hà Nội cho biết, đây là nội dung được UBND TP. Hà Nội trình HĐND thông qua tại kỳ họp thứ 4 HĐND vào tuần tới. Đề án được xây dựng xuất phát từ chỉ đạo của Thành ủy, HĐND giao UBND Thành phố xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Quá trình xây dựng đề án được UBND Thành phố chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức hội thảo khoa học, công khai lấy ý kiến của nhân dân, ý kiến của các Bộ, ban, ngành Trung ương, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức phản biện xã hội; đa số các ý kiến cơ bản đồng thuận thống nhất với nội dung của đề án, trên cơ sở đó UBND Thành phố đã tổng hợp, tiếp thu điều chỉnh, hoàn thiện để trình HĐND xem xét, thông qua.

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, đề án được phát 15.000 phiếu khảo sát, trong đó trên 90% phiếu khảo sát đồng thuận với việc Hà Nội cần thiết ban hành nghị quyết về lộ trình hạn chế xe máy.

Về tính khả thi của đề án, ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết, trong quá trình tổ chức xây dựng đề án, UBND TP. Hà Nội đã phân công trách nhiệm cho các cơ quan liên quan cùng phối hợp xây dựng đề án, bảo đảm khoa học và hiệu quả nhất. Theo đúng tinh thần Nghị quyết, đến năm 2030 Hà Nội sẽ phân vùng hoạt động phương tiện phù hợp với hạ tầng cơ sở, tiến tới năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên các quận. Việc phân vùng là để phù hợp hạ tầng xã hội theo từng lộ trình, hạ tầng xã hội đáp ứng được đến đâu là phân vùng đến đấy, khi hạ tầng xã hội đồng bộ như vận tải hành khách công cộng đạt yêu cầu vận chuyển hành khách từ 50-55% thì sẽ có thể tổ chức dừng hoạt động xe máy.

“Điều kiện tiên quyết Hà Nội đặt ra để dừng xe máy là phải có biện pháp thay thế, mà ở đây là chủ yếu là dựa vào phát triển phương tiện hành khách công cộng”, ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết.

Điều chỉnh giờ học, giờ làm cơ quan TW: Sẽ xin ý kiến Chính phủ

Thông tin về việc điều chỉnh giờ học, giờ làm, theo ông Nguyễn Nguyên Quân, trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Hà Nội tổ chức điều chỉnh giờ học, giờ làm để cùng các biện pháp khác góp giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cơ quan cũng như người dân làm việc, sinh sống. Nội dung này đã được Hà Nội tổ chức thực hiện nhưng ở thời điểm đó (năm 2012) chưa hiệu quả bởi chưa áp dụng đồng bộ các biện pháp khác.

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, việc áp dụng lộ trình hạn chế xe máy đồng thời với điều chỉnh giờ học, giờ làm là cần thiết sẽ tạo động lực cùng các biện pháp khác để tổ chức thực hiện đề án này.

Trưởng ban Đô thị chia sẻ, với các cơ quan, trường học của TP. Hà Nội, thẩm quyền quyết định là của Thành phố, tuy nhiên với việc điều chỉnh giờ làm của các cơ quan Trung ương (TW) cần phải xin ý kiến và có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Đề án đã đặt ra vấn đề này, nếu được HĐND Thành phố thông qua thì UBND TP. Hà Nội trước khi tổ chức thực hiện phải báo cáo, xin ý kiến các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ.

Gia Huy

Top