‘Căng mình’ chống hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm

03/12/2018 3:07 PM

(Chinhphu.vn)-Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịp Tết tăng mạnh cũng là thời điểm để các đối tượng buôn lậu hàng giả, hàng nhái tuồn vào thị trường. Chính vì vậy, đòi hỏi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải quyết liệt hơn nữa.

Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra hàng điện tử tại một siêu thị. Ảnh: Bích Phương

Vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội), TP.Hà Nội, trong tháng 10, qua kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý tới 2.682 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thu nộp ngân sách hơn 526 tỷ đồng. Dù liên tục kiểm tra, bắt giữ các vụ vi phạm nhưng tình trạng buôn lậu vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các mặt hàng buôn lậu thời điểm này chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồ dùng bách hóa, đồ ăn, hàng điện tử, pháo các loại, gia cầm, thực phẩm đông lạnh... với các hình thức và thủ đoạn hoạt động mỗi ngày một tinh vi, thay đổi liên tục địa điểm nhập, xuất hàng.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đánh giá, thời điểm này thị trường hàng hóa tại Hà Nội cơ bản ổn định, nhất là với hàng sản xuất nội địa. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng vẫn chuộng hàng nhập khẩu và có tâm lý mua nhiều vào dịp Tết thì các mặt hàng này lại bị làm giả rất nhiều.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) qua kiểm tra, hoạt động kinh doanh thực phẩm của cơ sở Nam Phương (tại số 20 Liền kề, khu đô thị Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) đã phát hiện hơn 6,3 tấn thực phẩm đông lạnh không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở Nam Phương đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm gồm: Há Cảo 480 gói (1,2 tấn), bò viên 60 gói (150 kg), xoắn 208 gói (520 kg), chả mực 1.600 gói (4 tấn), lườn ngỗng trên bao bì có chữ “Smoked Duck Breast Bone les” 1.903 gói (380,6 kg), lườn ngỗng trên bao bì có chữ “Hong Ha company, LTD, Ly Nhan, Ha Nam” 375 gói (75 kg). Cơ quan chức năng xác định, cơ sở Nam Phương đã kinh doanh hàng hóa thực phẩm nhập lậu; sản xuất hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả... nên đã xử phạt 23,75 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Điều đáng chú ý, những năm gần đây lợi dụng sự thiếu quan tâm của một số trong bảo vệ thương hiệu, sản phẩm và sự thiếu hiểu biết, không cập nhật kiến thức, thông tin đầy đủ của người dân trong phân biệt hàng thật, hàng giả, các đối tượng đã tìm cách nhập lậu các loại hàng giả mang nhãn mác của Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài và cung cấp ra thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt.

Quyết liệt chống hàng lậu, hàng giả tại các điểm ‘nóng’

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, những tháng cuối năm là thời điểm các thương nhân tập kết hàng hóa để phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, tập trung ở các chợ, trung tâm thương mại, kho hàng, bến bãi… Vì vậy, ngoài trách nhiệm cung ứng hàng hóa Tết bảo đảm số lượng, chất lượng, lực lượng chức năng đặc biệt lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ cần một loại thực phẩm mất vệ sinh, xảy ra ngộ độc sẽ gây phản ứng tiêu cực đối với người tiêu dùng và nảy sinh phức tạp, khó khăn trong xử lý.

Để ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả trong những tháng cuối năm 2018 và dịp Tết Kỷ Hợi, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 01/KH-QLTTHN về kiểm tra kiểm soát thị trường xử lý vi phạm các tháng cuối năm và trong các dịp Tết Dương lịch 2019, Tết Kỷ Hợi. Theo đó, các lực lượng chức năng sẽ tập trung triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan chức năng để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài do thiếu trách nhiệm, không quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa, chậm phát hiện, xử lý vi phạm.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, nhằm thực hiện nghiêm túc kế hoạch này từ nay đến cuối năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu lớn. Xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATTP tại các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì...

Đồng thời phối hợp với UBND các quận huyện tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ Xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng. Tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn liền với mục tiêu ổn định không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Từ nay đến hết năm 2018, lực lượng chức năng TP.Hà Nội sẽ đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Trong đó, đặc biệt chú trọng việc phát hiện, ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Bích Phương

Top