‘Siết’ bán hàng đa cấp: Cần tăng cường công tác quản lý

12/12/2017 10:45 AM

(Chinhphu.vn) - Trong những năm qua, trước những diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) tại Việt Nam, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Một trong những doanh nghiệp BHĐC bị Cục Quản lý cạnh tranh thu hồi giấy phép. Ảnh: Internet

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, cả nước có 36 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực BHĐC, giảm 12% so với cuối năm 2016, giảm 46% so với tổng số doanh nghiệp được cấp phép theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP, giảm 44,6% so với với số doanh nghiệp thời điểm tháng 5/2014 trước khi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP có hiệu lực.

Riêng trên địa bàn Hà Nội có 31 doanh nghiệp đang hoạt động - giảm 8,8% so với cuối năm 2016; giảm 45,6% so với tổng số doanh nghiệp đã thông báo hoạt động theo NĐ 42/2014/NĐ-CP, giảm 18,4% so với số doanh nghiệp thời điểm tháng 5/2014 trước khi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP có hiệu lực.

Đặc biệt, người dân cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về hoạt động BHĐC nên số lượng người tham gia BHĐC cũng giảm đi rõ rệt. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của doanh nghiệp BHĐC tại địa bàn Hà Nội số người tham gia BHĐC là 68.289 người, giảm 24 % so với năm 2016, giảm 66% so với năm 2015 (năm 2016 là 90.070 người, năm 2015 là 201.373 người).

Thông thường các mặt hàng kinh doanh theo phương thức BHĐC là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng,... Thực phẩm chức năng là mặt hàng có số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhiều nhất, với trên 80% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đa cấp.

Tăng cường giám sát, quản lý

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để giảm dần hành vi BHĐC của các doanh nghiệp, trong công tác quản lý nhà nước, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu cho UBND Thành phố ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, kế hoạch tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động BHĐC, đặc biệt trong các năm gần đây khi hoạt động BHĐC có nhiều diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã tích cực triên khai nội dung tuyên truyền gửi các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị tuyên truyền đến người dân về các dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hoạt động bán hàng đa cấp và có giải pháp hạn chế đối với hoạt động BHĐC bất chính tại địa bàn; phát hành cuốn “Sổ tay nâng cao nhận thức về hoạt động BHĐC”, nội dung cuốn Sổ tay nêu rõ các quy định của pháp luật về BHĐC, các dấu hiệu vi phạm, lừa đảo của các doanh nghiệp BHĐC; người tham gia BHĐC nhằm tuyên truyền để người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động BHĐC bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo, trục lợi;...

 Chủ động hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp hoạt động BHĐC trên địa bàn Hà Nội tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động BHĐC; hằng năm tổ chức các lớp tập huấn quy định về hoạt động BHĐC cho các doanh nghiệp BHĐC để các doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động BHĐC.

Đồng thời, phối hợp với một số Sở, ngành đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối hoạt động BHĐC trên địa bàn.

Chỉ riêng năm 2017, theo kế hoạch Sở Công Thương chủ trì thanh tra 16 doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Cục Thuế, Sở Y tế, một số quận, huyện kiểm tra liên ngành 12 doanh nghiệp; giao Chi Cục QLTT kiểm tra đối với một số doanh nghiệp. Kết quả 8 tháng đầu năm đã xử lý vi phạm 6 doanh nghiệp, số tiền 800 triệu đồng; đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp theo kế hoạch.

Mặc dù Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật của các doanh nghiệp BHĐC, nhưng trên thực tế vẫn còn gặp khó khăn cho công tác quản lý đối với hoạt động BHĐC, bởi hoạt động BHĐC ngày càng tinh vi hơn, có sự biến tướng, dẫn đến lừa đảo trong hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp. Điển hình như tham gia bán hàng nhưng không có hàng, nấp dưới danh nghĩa bán hàng hóa theo phương thức đa cấp để huy động tài chính; thu tiền người tham gia vào mạng lưới BHĐC thông qua hình thức tuyển dụng; kinh doanh tiền ảo dựa trên phương thức bán hàng đa cấp;…

Chính vì vậy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, để kiểm soát được hoàn toàn hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, các sở, ngành, quận, huyện và người dân.

Diệu Anh

Top