“Nét Xuân” góp phần giữ gìn văn hoá dân tộc

30/01/2016 2:26 PM

(Chinhphu.vn) – Triển lãm tranh dân gian “Nét Xuân” vừa được khai mạc tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (50 phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm) là một trong những hoạt động bảo tồn, phát huy và tôn vinh văn hoá dân tộc.

Triển lãm kéo dài đến hết 16/2 tại Trung tâm giao lưu văn hoá Phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ - Ảnh Diệp An

Triển lãm giới thiệu các dòng tranh dân gian Việt Nam trong mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa các vùng miền của đất nước, giới thiệu với công chúng một phần tinh hoa di sản văn hóa tranh dân gianViệt Nam.

Triển lãm trưng bày khoảng 200 tài liệu, hiện vật về 5 dòng tranh của Việt Nam. Đây là 5 dòng tranh dân gian đến từ các vùng miền trong cả nước với mong muốn đem những giá trị nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại đến với công chúng.

Không chỉ giới thiệu những tác phẩm tranh, mà triển lãm còn đem đến nhiều hiện vật để người xem có thể hình dung rõ hơn về quy trình sản xuất những bức tranh. Qua đó, có hiểu biết sâu sắc hơn về kỹ thuật, chủ đề và các sắc thái văn hóa của tranh dân gian Việt Nam.

Tranh dân gian là một kho báu di sản của người Việt. Ở miền bắc, phổ biến là tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng. Miền nam là tranh kiếng (kính). Riêng tranh làng Sình (Huế) là một dòng tranh có khá nhiều khác biệt, gắn với hoạt động tâm linh, sau khi treo một thời gian người ta sẽ đốt đi.

Tranh Đông Hồ: Tranh Đàn lợn âm dương ngụ ý cầu chúc sự sung túc là bức tranh ngụ ý chúc tụng rất được ưa chuộng những ngày Tết

Trong kho tàng di sản văn hóa đặc sắc đó, tranh dân gian Việt Nam là một bộ phậnquan trọng, đang được lưu giữ tại các bảo tàng của nhà nước tại Việt Nam và nước ngoài,các sưu tập, bảo tàng tư nhân tại Việt Nam và nước ngoài. Theo Luật Di sản văn hóa ViệtNam, nhà nước công nhận quyền sưu tập, lưu giữ cổ vật và di vật văn hóa lịch sử của tưnhân, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xã hội hóa bảo tồn, bảo tàngtrưng bày và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam.

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người Việt Nam xưa thường treo tranh dân gian, với các chủ đề gắn với ngày Tết. Với tranh Đông Hồ là các bác Vinh hoa (bé trai ôm gà), Phú quý (bé gái ôm vịt)... hay những bức tranh có chủ đề cầu mong cho phúc lộc, đủ đầy. Tranh Hàng Trống có những bức nổi tiếng như: Chim công, Cá chép trông trăng... hay các bức tranh thờ Ngũ hổ, Bà chúa Thượng Ngàn...

Tranh kính xuất hiện muộn hơn, nhưng từ lâu đã trở thành một loại hình trang trí quen thuộc của bà con các tỉnh Nam Bộ. Tranh làng Sình, từ chỗ chủ yếu gắn với hoạt động tâm linh, gần đây đã xuất hiện thêm những mẫu mới mang tính trang trí, trở thành sản phẩm phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch… Dù có những đặc điểm kỹ thuật khác nhau, nhưng giữa chúng có sự giao thoa nhất định, thể hiện sự phát triển của văn hóa Việt Nam nói chung, tranh dân gian nói riêng; và ngoại trừ tranh kiếng còn được dùng khá phổ biến, các dòng tranh còn lại hoặc là đã mai một như tranh Kim Hoàng, hoặc là đang hoạt động cầm chừng, với không ít khó khăn.

Đến với triển lãm, người xem cũng sẽ trực tiếp được xem trình diễn trải nghiệm kỹ thuật in, vẽ tranh Đông Hồ và Hàng Trống. Trong thời gian trưng bày, Ban tổ chức cũng dự kiến sẽ tổ chức buổi tọa đàm khoa học về Di sản tranh dân gian Việt Nam - Giá trị lịch sử văn hóa và phương hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian Việt Nam. Trưng bày cũng nhằm mục đích bước đầu giới thiệu với đông đảo người dân trong nước và du khách quốc tế đến thăm Thủ đô Hà Nội một phần tinh hoa di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam đang được lưu giữ tại bảo tàng tư nhân gốm sứ Hà Nội.

Diệp An

Top