‘Đam mê và trách nhiệm là chìa khóa của khởi nghiệp’

26/03/2018 11:30 AM

(Chinhphu.vn) - Đó là chia sẻ của anh Lưu Hùng Cường, 39 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lực Việt (VCC) về trải nghiệm của anh khi quyết định gây dựng doanh nghiệp riêng hoạt động trong ngành thiết bị phụ trợ công nghiệp, lĩnh vực tự động hóa tại Việt Nam.

Anh Lưu Hùng Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lực Việt. Ảnh: Minh Anh

Trong không khí tháng thanh niên, của sức trẻ và lòng nhiệt huyết, của tinh thần dám nghĩ, dám lám thì tinh thần khởi nghiệp của thanh niên được nói đến nhiều hơn. Minh chứng cho điều đó là Công ty Cổ phần Năng lực Việt do một kỹ sư Việt Nam-anh Lưu Hùng Cường gây dựng, hiện công ty trở thành một trong số rất ít những công ty tiên phong và khá thành công trong lĩnh vực tự động hóa, phục vụ ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. 

Câu chuyện khởi nghiệp của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lực Việt Lưu Hùng Cường sẽ là những kinh nghiệm quý báu và có ý nghĩa đối với nhiều người trẻ tuổi đang cần đưa ra những quyết định đối với công việc tương lai của họ.

Xin anh cho biết Công ty Cổ phần Năng lực Việt được thành lập trong bối cảnh như thế nào?

TGĐ Lưu Hùng Cường: Sau khi tốt nghiệp Khoa cơ khí, ngành ô tô của trường Đại học Bách khoa, tôi đã làm việc cho một công ty của Nhật Bản hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô và xe máy gần 10 năm. Công việc của tôi lúc đó là thiết kế lên dây chuyền sản xuất cho công ty Nhật. Thời điểm đó, Việt Nam gần như không ai làm thiết bị tự động hóa công nghiệp nên máy móc đều phải nhập từ Thái Lan rất đắt tiền.Tôi nghĩ, tại sao các kỹ sư Bách khoa ở Việt Nam đều có thể làm được, mà mình không tự làm được. Cuối cùng tôi đã quyết định cùng mấy anh em ra mở một công ty.

Giai đoạn này, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ việc mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển và mở rộng không ngừng. Điều đó dẫn đến việc phát triển, thành lập ồ ạt các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thiết bị phụ trợ công nghiệp. Tuy nhiên, sản phẩm chất lượng cao, giảm giá thành và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất còn thiếu. 

Trong 8 năm qua, các kỹ sư cơ khí và tự động hóa, với kinh nghiệm hơn 10 năm tu nghiệp và làm việc cho các công ty Nhật Bản trong ngành công nghiệp ô tô và xe máy, đã cùng nhau xây dựng và phát triển Năng Lực Việt, với lĩnh vực hoạt động chính: sản xuất chế tạo máy và thiết bị tự động hóa công nghiệp, cung cấp thiết bị và linh kiện tiêu chuẩn phục vụ sản xuất công nghiệp. Hiện nay,chất lượng sản phẩm và dịch vụ của công ty đã vượt lên cả sự mong đợi của khách hàng, dần khẳng định vị trí cũng như năng lực của những kỹ sư, công nhân bậc cao Việt Nam đầy sáng tạo và đầy nhiệt huyết.

Những ngày đầu tiên nhiều khó khăn, thách thức ấy, Năng lực Việt đã bắt đầu công việc của mình như thế nào, thưa anh? 

TGĐ Lưu Hùng Cường: Giá trị cốt lõi mà công ty Năng Lực Việt luôn hướng tới từ khi thành lập là quyết tâm khẳng định và duy trì giá trị Việt đã được cha ông để lại, đồng thời chung tay góp sức cho sự phát triển của xã hội. Định hướng phát triển từ năm 2010 mà Năng lực Việt đã đề ra là dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo máy tự động hóa ở Việt Nam. Để làm được như vậy phải xác định chất lượng là số 1, giá cả là tốt nhất và phải ứng dụng công nghệ cao vào trong sản phẩm của mình là yếu tố quan trọng.

Với từng mục tiêu trên ngay giai đoạn 1, công ty đã xây dựng hệ thống quản lý, chất lượng hiệu quả có tính chất cạnh tranh cao, vận hành những phương pháp đơn giản. Ngay từ ban đầu, Năng lực Việt đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên với tinh thần thách thức công nghệ mới. Môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, chuyên nghiệp. Giai đoạn 2 là cải tiến hệ thống quản lý, mở rộng khách hàng vào lĩnh vực của mình. Sau khi có chứng chỉ chất lượng ISO 9000 và thực hiện các hoạt động giảm chi phí, công ty cũng đưa hệ thống quản lý theo mục tiêu MBO ( Management By Objectives) trở thành một phần của giải pháp quản trị hiệu suất trong hệ thống. Giai đoạn 3 hiện nay là mở rộng văn phòng tại TPHCM và Đà Nẵng, ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu phát triển ứng dụng. Từ quản lý nhân sự, điều hành cho tới sản xuất.

Đến nay Năng lực Việt có khoảng 150 nhân viên, dự kiến tăng lên 200 nhân viên vào cuối năm nay. Nhân viên kỹ sư tại đây chiếm 77%.

Vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải về thăm khu công nghiệp và thăm công ty, cũng đã có chỉ đạo chúng tôi cần mở rộng hơn nữa vì các công ty Việt Nam đang có nhu cầu từ động hóa nhiều. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn đúng. Thị trường của công ty Năng lực Việt vô cùng tiềm năng, do hiện nay ở Việt Nam nền công nghiệp tự động hóa chưa phát triển mạnh. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đang tính đến việc việc đầu tư máy móc tự động thay vì thuê nhân công lao động với giá ngày các cao hơn trước.

Tuy nhiên, khó khăn là một số chính sách của chúng ta còn chưa khuyến khích lĩnh vực này, do thuế nhập khẩu cao, trong khi các công ty nước ngoài cùng lĩnh vực lại không bị tính tính thuế khi nhập khẩu máy móc vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng như nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi cũng gặp khó khăn về vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty Năng lực Việt. Công ty đã được trao chứng chỉ ISO 9001 - 2008 do tổ chức BCI cấp. Ảnh: Minh Anh

Vấn đề thiếu vốn vẫn luôn là bài toán khó giải cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa?

TGĐ Lưu Hùng Cường: Vâng, đúng là lúc khởi đầu, mấy anh em chỉ gom được mấy trăm triệu, chỉ đầu tư mua máy móc cũ về làm thôi. Từ 3 năm nay, chúng tôi chuyển sang định hướng chỉ đầu tư máy móc mới hiện đại để đáp ứng yêu cầu khách hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đột phá cho bước phát triển mới của công ty. Do đó việc đầu tư vốn cũng trở nên cấp thiết hơn. 

Trong khi tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi cho các DNNVV vẫn là việc không dễ dàng, để chủ động tìm nguồn vốn đầu tư mở rộng, Năng lực Việt đang hợp tác với một doanh nghiệp khác để đầu tư nghiên cứu thị trường, kết hợp giữa nền tảng về nhân lực, trình độ sản xuất với kinh nghiệp quản lý sản xuất. 

Song song với đó, chúng tôi cũng chủ động điều chỉnh chiến lược của công ty. Tôi nghĩ, gia công cơ khí thì ai cũng có thể mua máy về làm, do đó hiện nay Năng lực Việt định hướng tập trung cho những sản phẩm cốt lõi của công ty, máy gia công chính xác, công nghệ đòi hỏi đầu tư cao. Như vậy chúng tôi có thể bao quát chủ động được kế hoạch sản xuất, còn lại gia công thì thuê ngoài. Với chiến lược này, Năng Lực Việt sẽ thành lập Trung tâm thiết kế, tập trung vào ưu thế của chúng tôi là thiết kế, kết hợp với đối tác Nhật để đào tạo nhân lực đồng thời đảm bảo đầu ra cho các sản phầm của mình. 

Hàn Quốc cũng thiếu nhân lực trong thiết kế, nên nếu công ty tăng cường hợp tác với đối tác Nhật Hàn, sẽ  nhanh chóng làm cho “quả trứng kinh nghiệm” cùa Năng lực Việt to hơn. Ngoài ra, sẽ tìm đến những đối tác trong nước cùng hoài bão xây dựng thương hiệu Việt.

Thực tế trong 8 năm qua, chúng tôi cứ mầy mò, “quả trứng kinh nghiệm” cứ to dần ra, và thực sự tự tin vào đội ngũ của mình. Chúng tôi tự hào đã có uy tín với các công ty đối tác Nhật Bản, được đánh giá năng lực, chất lượng sản phẩm, máy móc tương đương các công ty sản xuất cùng lĩnh vực tại Nhật. Tôi nghĩ thành công đó phần lớn nhờ vào đội ngũ của chúng tôi được đào tạo bài bản. 

Đó có phải là một kinh nghiệm quan trọng nhất cho ai muốn bắt đầu và thành công trong kinh doanh không, thưa anh?

TGĐ Lưu Hùng Cường: Để thành công được, phải có sự đầu tư sâu. May mắn của Năng lực Việt là chúng tôi đã cố gắng đi theo quy chuẩn ngay từ đầu, làm tài liệu, định hướng tiêu chuẩn trong nhà máy. Dù có nhỏ cũng phải quan tâm các yêu cầu về môi trường làm việc, vệ sinh, an toàn lao động, ý thức. 

Mấy năm mới thành lập, chỉ là nhà xưởng sản xuất quy mô nhỏ nhưng công ty đã được Chủ tịch Denso, một tập đoàn rất lớn từ Nhật sang đây thăm đánh giá cao mô hình của công ty sắp xếp tổ chức sản xuất. 8 năm qua, chúng tôi cũng có ít biến động vì chúng tôi đầu tư vào đội nghĩ kỹ sư, vừa thực hiện chế độ giữ nhân tài, vừa có đào thải.

Khi tuyển dụng, chúng tôi không quá quan tâm bảng điểm của ứng viên, mà là tinh thần làm việc. Khi đã vào công ty, việc đầu tiên là chúng tôi nói với họ về giá trị cốt lõi của công ty. Nó phải được thấm sâu tới tất cả nhân viên và tất cả những suy nghĩ và hành động đều hướng tới duy trì, khẳng định giá trị cốt lõi mà công ty đã đề ra. Đó là khẳng định và duy trì giá trị Việt và cống hiến vì hạnh phúc và phát triển của xã hội.

Đó có phải là lý do anh đặt tên công ty là Năng lực Việt không?

TGĐ Lưu Hùng Cường: Nhiều người hỏi tôi câu này lắm. Đúng là lúc góp vốn, để thành lập công ty, chúng tôi không nghĩ nhiều đến mục tiêu lợi nhuận. Chỉ vì lúc mình làm cho công ty Nhật, mỗi lần mang vài triệu USD mua máy móc bên Thái Lan về, mà đều là những thứ Việt Nam mình có thể làm được, nên mới nghĩ ra thành lập công ty. Trong suy nghĩ, chúng tôi chỉ nghĩ làm cái gì khẳng định khả năng của người Việt. Tuy nhiên những tên khác khá trùng lặp, nên cuối cùng chọn tên Năng lực Việt, đúng như mong muốn của mình, muốn khẳng định năng lực của người Việt Nam. Phương châm cơ bản của chúng tôi là phải luôn đổi mới, không đứng một chỗ, kể cả có lúc thụt lùi.

Với những kinh nghiệm của mình, anh có điều gì tâm huyết muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang muốn thử sức đối với việc kinh doanh, khởi nghiệp?

TGĐ Lưu Hùng Cường: Tài năng chỉ một phần thôi, tôi cho rằng, chủ yếu là quyết tâm, đam mê và sống chết với nó. Bản thân tôi, từ kinh nghiệm của mình, có đam mê với ô tô, với chế tạo, nên sau khi học Bách khoa và đi làm, luôn dồn hết tâm sức, trách nhiệm với công việc được giao.

Tại Năng lực Việt, tôi luôn khuyến khích nhân viên của mình học, học như là một bản kế hoạch mỗi năm cho bản thân mình. Ngoài ra như tôi đã nói, luôn tạo cơ hội cho các nhân viên của mình được thử sức với các dự án, qua đó học hỏi và trưởng thành.

Tôi nghĩ các bạn trẻ bây giờ có nhiều cơ hội thành công hơn chúng tôi trước đây. Thành công mà tôi muốn nói ở đây là chúng tôi đã tập hợp được những người anh em cùng chung ý tưởng và đã tạo được teamwork tốt, người đi trước truyền cho những người đi sau cùng lớn mạnh.

Mỗi sáng đầu tuần, chúng tôi hát Quốc ca, để tinh thần làm việc và trách nhiệm của mỗi người được thấm nhuần tinh thần cốt lõi của công ty. Chúng tôi coi thành công không chỉ doanh thu mà chính là tạo ra những người tốt nhất, chuyên nghiệp nhất.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh là hình như nhiều bạn trẻ chưa hiểu đúng chữ khởi nghiệp. Khởi nghiệp không có nghĩa là sinh viên ra trường, tìm vốn, đầu tư mở công ty rồi tìm kiếm lợi nhuận. Khởi nghiệp là sáng tạo, là sẵn sàng chịu trách nhiệm về sự rủi ro với ý tướng sáng tạo đó, phải có tinh thần đó, mới tìm ra được thành công. Mới có cơ hội thành công.

Xin cảm ơn Anh!

Minh Anh (thực hiện)

Top