15 năm mở rộng địa giới hành chính: Công nghiệp, thương mại Thủ đô chuyển dịch theo hướng tích cực
(Chinhphu.vn) - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, công nghiệp, thương mại trên địa bàn Thành phố đã gặt hái được những kết quả nhất định; đóng góp chung vào kết quả phát triển kinh tế của Thủ đô.
Công nghiệp hỗ trợ thực sự thành ngành công nghiệp mũi nhọn
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn sau điều chỉnh địa giới hành chính đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung GRDP Thành phố. Giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 9,2%; giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 7,43%; bình quân 2 năm 2021-2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,7%/năm.
Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%). Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học…
Cùng với đó, Chương trình Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội đã được Sở Công Thương tham mưu tổ chức triển khai từ năm 2008 đến nay và đã hình thành ngày càng rõ nét hơn các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực. Cụ thể, năm 2010, trên địa bàn Thành phố có 53 sản phẩm của 48 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực; hết năm 2022, Thành phố đã lựa chọn, công nhận 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực (tăng 143 sản phẩm, 84 doanh nghiệp).
Sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giầy; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ.
Các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thực sự là những doanh nghiệp nòng cốt của ngành công nghiệp Thủ đô; luôn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến để hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của công nghiệp Thủ đô.
Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và triển khai từ năm 2008 đến nay. Theo đó, triển khai xây dựng và tổ chức triển khai các đề án thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn như Đề án hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản trị, điều hành; Đề án đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực các doanh nghiệp cơ khí Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đáp ứng hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 2016-2020.
Trên cơ sở bám sát, đồng hành gắn bó với các doanh nghiệp, Sở Công Thương đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ như tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, đối thoại, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn giữa các nhà quản lý nhà khoa học và nhà doanh nghiệp…
Các hoạt động hỗ trợ của Sở Công Thương đã được nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ủng hộ và đánh giá cao, nhiệt tình hợp tác. Đến nay, công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội đã thực sự trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, quan trọng, được đánh giá cao trong ngành công nghiệp của TP. Hà Nội.
Thương mại luôn duy trì mức tăng trưởng
Trong bối cảnh điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, cầu hàng hóa thấp, sức mua giảm. Tuy nhiên, hoạt động thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn luôn duy trì tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 12,84%; giai đoạn 2016-2020 tăng 9,14%; giai đoạn 2021-2022 tăng 9,3%. Quy mô giá trị Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2022 đạt khoảng 698 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần năm 2010.
Trong cơ cấu giá trị tổng mức bán lẻ, ngành thương nghiệp luôn là ngành có tỷ trọng lớn nhất (bình quân chiếm khoảng 59,3%). Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh, chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
Tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn được bảo đảm, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết.
Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về các loại hình thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; chủ động triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử góp phần duy trì hoạt động thương mại truyền thống, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa…
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cũng cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 nhưng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 tăng cao hơn giai đoạn trước với mức tăng bình quân 7,67% so với mức tăng 5,25% của giai đoạn 2011-2015. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2022 tăng trưởng bình quân đạt 6,16%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt hơn 17 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần năm 2010…
Có thể thấy, với những kết quả thực hiện Kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển kinh tế- xã hội của TP. Hà Nội đã có chuyển biến tích cực so với thời gian trước khi hợp nhất. Uy tín và vị thế của Hà Nội từng bước được nâng lên trong khu vực và quốc tế.
Bích Phương