5 giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng GDĐT

02/11/2015 10:36 AM

(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu là tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đặt ra 5 giải pháp trong giai đoạn mới để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước.

 

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Quy mô giáo dục liên tục phát triển

Báo cáo tại Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội khoá XVI, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh, với sự cố gắng, nỗ lực, tích cực đổi mới quản lý, đổi mới cách dạy, cách học, ngành GD&ĐT đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần vào những thành tích chung phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô

Hà Nội hiện có 2557 trường học và các cơ sở giáo dục với trên 1.6 triệu học sinh cơ bản đã đáp ứng được đa dạng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô. Thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi vào năm 2013, hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 vào tháng 7/2015, hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở và 90% thanh niên trong độ tuổi có trình độ THPT hoặc tương đương.

Chất lượng giáo dục toàn diện được quan tâm và giữ vững, giáo dục Mầm non được chú trọng và có chuyển biến rõ nét. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều có những chuyển biến tích cực. Nhiều học sinh của Hà Nội đã đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Hà Nội luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường: đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và được nâng cao về chất lượng đào tạo.

Ông Nguyễn Hữu Độ nhận định, tuy quy mô trường lớp phát triển đa dạng nhưng phân bố không đều trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó,  mức độ phát triển và chất lượng giáo dục giữa các trường, các khu vực chưa đồng đều. Phân cấp quản lý giáo dục còn bất cập thiếu thống nhất. Điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị trong các trường học tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, quỹ đất dành cho phát triển giáo dục còn thiếu đặc biệt ở một số quận nội thành.

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo, ngành GD&ĐT đặt ra 5 giải pháp cơ bản để vừa là mục tiêu vừa là động lực đổi mới.

Trong đó, ngành đặc biệt coi trọng việc hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên theo định hướng: Đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp; phấn đấu có nhiều nhà giáo mẫu mực, cán bộ quản lý mẫu mực với phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Đối với cán bộ quản lý giáo dục, phải lựa chọn đ­ược những ng­ười vừa công tâm, vừa có kiến thức và tinh thần trách nhiệm cao, những yếu tố tạo nên bản lĩnh của ngư­ời cán bộ quản lý.

Phấn đấu, đến năm 2020 tất cả giáo viên tiểu học, THCS và 80% giáo viên mầm non phải có trình độ từ cao đẳng và đại học trở lên; đối với THPT phải có ít nhất 30% giáo viên có trình độ trình độ thạc sĩ trở lên và đến năm 2020 có 50 - 55% cán bộ, giáo viên, nhân viên là đảng viên.

Giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hoá, tiên tiến và từng bước hiện đại cũng đã được ngành đặt. Phấn đấu đến năm 2020 Thành phố có 70% trường Mầm non Phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành xóa các phòng học cấp 4 xuống cấp, tiến tới hoàn thành xóa các phòng học cấp 4 ở tất cả các cấp học vào năm 2020.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục. Bố trí cân đối, hài hoà giữa công lập và ngoài công lập ở mỗi cấp học. Thành phố có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất cho các trường ngoài công lập có điều kiện để được xây dựng ổn định về cơ sở vật chất. Tiếp tục thí điểm một số trường học hoạt động theo mô hình trường chất lượng cao để đáp ứng với đa dạng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô.

Giải phép tiếp theo được đặt là đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng dạy cách học và tự học qua việc thiết kế và tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, văn hoá và rèn luyện kỹ năng sống cũng như chất lượng giáo dục thể chất trong trường học nhằm phát triển thể lực, tầm vóc học sinh, sinh viên.

Tiếp tục thực hiện giảng dạy bộ tài liệu: Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh trong các trường phổ thông, góp phần đào tạo, xây dựng thế hệ người Hà Nội thanh lịch – văn minh.

Ngoài ra, thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng từ việc dạy của thầy đến việc học của trò; từ việc quản lý chuyên môn, nhân sự đến việc quản lý tài chính, cơ sở vật chất, từng bước khắc phục sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường học.

Hoàn thiện cơ chế quản lý cơ sở giáo dục, đào tạo có yếu tố nước ngoài. Tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là về chương trình, nội dung, chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài và cơ sở đào tạo của nước ngoài tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, những thành tựu quan trọng cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục mà Ngành GD&ĐT Hà Nội đạt được trong những năm qua đã góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Hà Nội luôn giữ vị trí là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục.

Chặng đường tiếp theo còn nhiều khó khăn thách thức, chính vì vậy, ngành Giáo dục - Đào tạo sẽ nỗ lực lao động, học tập, ra sức phấn đấu hoàn thành trọng trách vinh quang trong sự nghiệp “Trồng người”.

Huy Anh

 

 

 

Top