5 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp chủ lực đạt tăng trưởng khá

24/05/2018 10:21 AM

(Chinhphu.vn) – Theo Cục thống kê Hà Nội, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 5 tăng 5,6% so tháng trước và tăng 11,3% so cùng kỳ. Nhìn chung, 5 tháng đầu năm 2018 chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực (chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo) đạt mức tăng trưởng khá cao.

Cộng dồn 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,8% so với cùng kỳ; trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 7,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt... tăng 6,9%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1% so cùng kỳ.

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế tháng 5  đạt 46.746 tỷ đồng tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng đạt 113 tỷ đồng tăng 18,2% so với tháng trước và tăng 8,4% so cùng kỳ; công nghiệp chế biến chế tạo đạt 45.162 tỷ đồng tăng 5,9% và tăng 12,8%; sản xuất và phân phối điện đạt 669 tỷ đồng tăng 4,9% và tăng 5,3%; cung cấp nước và xử lý nước rác thải đạt 802 tỷ đồng tăng 4,6% và tăng 7,6%. Cộng dồn 5 tháng đầu năm 2018 giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 223.747 tỷ đồng tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng đạt 494 tỷ đồng tăng 8,5%; Công nghiệp chế biến chế tạo đạt 216.455 tỷ đồng tăng 9,1%; Sản xuất và phân phối điện đạt 3.108 tỷ đồng tăng 8,2%; cung cấp nước và xử lý nước rác thải đạt 3.690 tỷ đồng tăng 7,7% so cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh (giá năm gốc 2010) tháng 5 ước đạt 39.713 tỷ đồng tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ; 

cộng dồn 5 tháng đầu năm 2018 đạt 189.116 tỷ đồng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017. 

Sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 5/2018 nhìn chung đều tăng so với cùng kỳ, cụ thể:

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5 tăng 1,4% so với tháng trước và giảm 6,3% so cùng kỳ, cộng dồn 5 tháng đầu năm tăng 0,1% so cùng kỳ năm 2017. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ là sản xuất đồ uống tăng 31,6%; công nghiệp dệt 30,2%; sản xuất trang phục tăng 21,2%; sản xuất sản phẩm gỗ, mây tre đan tăng 16,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 49%; sản xuất cao su, plastic tăng 25,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 35,2%...   

Cũng theo thống kê, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5 tăng 17,8% so với tháng trước và giảm 27,1% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, tồn kho nhiều nhất so cùng kỳ là ngành sản xuất đồ uồng tăng 159,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 162,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính tăng 157,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 50%; sản xuất thuốc lá tăng 50,6%; sản xuất trang phục tăng 46,9% so cùng kỳ... Một số ngành sản xuất có chỉ số tồn kho giảm mạnh so cùng kỳ như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 92,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 83,1%; ... 

Trong tháng 5, tình hình sử dụng lao động ở các doanh nghiệp tương đối ổn định, các doanh nghiệp vẫn liên tục tuyển dụng lao động để bảo đảm kế hoạch sản xuất. 

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 5 tăng 0,3% so tháng trước và tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2017. Nhìn chung tỉ lệ sử dụng lao động tập chung chủ yếu tăng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,6% so tháng trước và tăng 9,6% so cùng kỳ; khối doanh nghiệp nhà nước giảm không đáng kể so tháng trước và tăng 3,2% so cùng kỳ; khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh bằng tháng trước và giảm 0,7% so cùng kỳ. 

Trong đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 1,5% so tháng trước và tăng 9,9% so cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,3% so tháng trước và tăng 5,7% so cùng kỳ; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải bằng tháng trước và cùng kỳ; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2% so tháng trước và giảm 6,6% so cùng kỳ. 

Minh Anh

Top