Ba Vì: Hướng chăn nuôi theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ

27/09/2017 3:18 PM

(Chinhphu.vn)-Là một huyện miền núi bán sơn địa, Ba Vì có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vì vậy, việc xây dựng khu chăn nuôi tập trung và phát triển theo chuỗi sản xuất-cung cấp sản phẩm tiêu thụ là hướng đi tất yếu và mang lại hiệu quả cao.

Chăn nuôi bò thịt là một trong những thế mạnh của Ba Vì-Ảnh Minh Nhung

Theo ông Nguyễn Đình Dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, là một huyện miền núi bán sơn địa, với địa bàn rộng, địa hình phức tạp có vùng núi, vùng đồi gò bán sơn địa và vùng đồng bằng ven sông. Cùng với đó, đặc điểm lao động của người dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp và tiềm năng của huyện là phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Trong những năm qua, số lượng gia súc, gia cầm của huyện không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, đàn trâu có 41 nghìn con, đàn gia cầm có 3,6 triệu con.

Thực hiện dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò thịt lai sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt trên địa bàn thành phố”, đến nay, huyện đã tích cực chỉ đạo cơ quan thường trực phối hợp với Công ty Giống gia súc Hà Nội và đạt được một số kết quả rất khả quan. Cụ thể, đã bình tuyển được 20 nghìn con bò cái nền trên địa bàn 30/31 xã của huyện, với 30 nghìn liều tinh phối và 15 nghìn bê con được sinh ra. Giá trị bê BBB cũng cao hơn nhiều so với bê lai khác từ 3-4 triệu đồng/con.

Ngoài thế mạnh về chăn nuôi bò thịt và bò sữa, Ba Vì còn rất phát triển trong chăn nuôi gà đồi. Sau những năm thực hiện công tác phát triển chăn nuôi gà từ năm 2011 đến nay, các giống gà lai đặc biệt là giống gà ri lai, mía lai dần thay thế giống gà ri địa phương. Vì vậy, khối lượng cá thể tăng lên song vẫn giữ phẩm chất thịt thơm ngon của giống gà ri.

Đồng thời chăn nuôi gà đã có bước chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, biểu hiện qua việc chăn nuôi có đầu tư lớn với quy mô gia trại (500-4.000 con), trang trại (5.000-30.000 con) thay thế dần chăn nuôi hộ gia đình. Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, công nghệ gà sạch đang từng bước áp dụng vào sản xuất. Đàn gà tăng trưởng nhanh trong 3 năm trở lại đây và sản lượng thịt xuất chuồng tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Đặc biệt, huyện Ba Vì đã triển khai được chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm gà đồi Ba Vì. Trong đó đã có tác nhân chính quản lý điều hành của chuỗi là Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì đứng lên đại diện cho các hộ chăn nuôi gà đồi trên địa bàn huyện. Quy mô chăn nuôi thường xuyên của chuỗi đạt 150 nghìn con/62 hộ chăn nuôi. Đồng thời hàng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 660 kg thịt bảo đảm an toàn thực phẩm với nhãn hiệu “gà đồi Ba Vì”, được tiêu thụ tại các cửa hàng tiện ích và một số nhà hàng trong và ngoại thành Hà Nội.

Ngoài ra, huyện còn xây dựng được một cơ sở giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm với công suất 300 con/ngày. Có thể thấy, việc xây dựng chuỗi đã giúp các tác nhân kiểm soát được số lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm đối với các tác nhân từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, hoạt động tiêu thụ sản phẩm của các chuỗi bước đầu đã đi vào ổn định thông qua các ràng buộc hợp đồng rõ ràng trách nhiệm giữa các nhóm tác nhân tham gia chuỗi.

Đẩy mạnh chuỗi sản xuất-tiêu thụ

Để tiếp tục phát triển chăn nuôi, xác định chăn nuôi là mũi nhọn, mang lại hiệu quả ổn định và bền vững, theo ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, thời gian tới, huyện sẽ chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp để trồng cỏ thâm canh và các loại cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng các giống năng suất cao, giàu đạm, khuyến khích các trang trại quy mô lớn tự chế biến nguyên liệu của địa phương và tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi theo công thức đã có.

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi trên cơ sở mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Trong đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi tự phối trộn bằng sản phẩm nông nghiệp tăng bình quân 8%/năm, đạt khoảng 2 triệu tấn/năm.

Đồng thời xây dựng hệ thống giết mổ, chế biến có quy mô phù hợp với công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến và gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa và đa dạng hóa các mặt hàng thực phẩm chế biến, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Đối với phát triển bò BBB, huyện sẽ đẩy nhanh quy mô đàn bò theo hướng trang trại, công nghiệp ở nơi có điều kiện về đất đai, kiểm soát dịch bệnh và môi trường, duy trì ở quy mô nhất định hình thức chăn nuôi bò lai BBB. Đồng thời tăng đàn bò thịt bình quân 4% năm, đạt khoảng 40 nghìn con, trong đó bò lai BBB đạt khoảng 30-45%.

Đối với chăn nuôi gà cần đổi mới và phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, chăn nuôi chăn thả có kiểm soát.

Để tạo điều kiện cho huyện Ba Vì phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và phát triển chăn nuôi nói riêng ổn định, bền vững, từng bước nâng cao thu nhập, theo ông Nguyễn Đình Dân, huyện Ba Vì rất mong muốn UBND thành phố, Sở NN&PTNT tiếp tục quan tâm, chỉ đạo triển khai các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi trên địa bàn huyện để tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Đồng thời cho xây dựng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại các xã, vùng trọng điểm để làm điểm học tập, nhân rộng ra địa bàn toàn huyện.

Minh Nhung

Top