Bài 2: Thương mại điện tử: Khung pháp lý còn nhiều bất cập

30/11/2020 3:10 PM

(Chinhphu.vn) - Thực tế công tác chống hàng giả, gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử thời gian qua cho thấy, mặc dù lực lượng chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý, nhưng hành lang pháp lý để xử lý vi phạm vẫn chưa theo kịp thực tế. Điều này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh, siết chặt khung pháp lý, cũng như tăng nặng hình thức xử phạt.

Bài 1: Thương mại điện tử: Mặt trái của sự tiện lợi

Một trang mua sắm thương mại điện tử phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: VGP/Bích Phương

Còn nhiều ‘lỗ hổng’

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Khó khăn lớn nhất mà lực lượng chức năng phải đối mặt trong việc ngăn chặn bán hàng giả thông qua thương mại điện tử là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận.

Bên cạnh đó, hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý; ngay cả khi kiểm tra, tìm được kho hàng cũng khó xác minh chủ kho hàng là ai.

“Để xử lý các vụ vi phạm phải có chứng cứ cụ thể, nhưng hiện nay 99% các giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, kinh doanh qua mạng xã hội như Facebook, Zalo chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam”, ông Kiên chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho rằng, hiện việc truy xuất, lưu trữ hóa đơn các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn, bởi lực lượng QLTT không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng. Để cất giấu và vận chuyển hàng hóa tới người tiêu dùng, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên mạng thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận, nhưng lực lượng QLTT không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra.

Mặt khác, nhiều mô hình thương mại điện tử mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website thương mại điện tử, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia, mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động... Những thách thức này cho thấy trong thời gian tới cơ quan quản lý cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, bởi đây là những mắt xích quan trọng giúp thương mại điện tử phát triển bền vững.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến việc các sàn giao dịch thương mại điện tử liên tục xuất hiện hàng giả, nhái nhãn mác là do đăng ký trở thành chủ cửa hàng và bán sản phẩm trên các website thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo… khá dễ dàng, không bó buộc bằng quy định trách nhiệm đối với người kinh doanh.

Ngay cả sàn giao dịch cũng không chịu trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa được bày bán, điều này đã trở thành lỗ hổng cho những gian thương trà trộn hàng giả hàng nhái, kém chất lượng để lừa người tiêu dùng.

Cần tăng nặng hình thức xử phạt

Không phủ nhận vai trò của thương mại điện tử, song các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt trái đang ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử đã tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm và doanh nghiệp.

Điều đáng nói là, nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sự tiện lợi của giao dịch trực tuyến - người mua không trực tiếp nhìn thấy sản phẩm - đã thực hiện những hành vi gian dối, lừa người tiêu dùng như giao hàng sai, không đúng với sản phẩm người mua đặt hàng, chế độ chăm sóc khách hàng cũng thiếu chuyên nghiệp, người mua khiếu nại hàng kém chất lượng thì có thái độ chia sẻ, cầu thị...

Do đó, để thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, cần có các quy định, điều kiện tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, các chế tài xử phạt thật nặng đối với các vi phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho rằng, thời gian tới, cơ quan lập pháp cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử. Cụ thể, cần tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp.

Đặc biệt, cần làm rõ việc ràng buộc trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử với hàng hóa bày bán, qua đó ngăn chặn tình trạng lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ, nhận định, sàn giao dịch thương mại điện tử cũng giống như chợ mua bán hàng hóa và ban quản lý chợ phải kiểm soát, quản lý được các hộ kinh doanh. “Nếu cơ quan chức năng phát hiện các tiểu thương kinh doanh hàng giả, hàng nhái, họ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, đồng thời ban quản lý chợ cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa được bày bán trên trang của mình và phải xác định rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch”, ông Phú nhấn mạnh.

Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đã dành 8 điều để quy định về quy trình giao kết hợp đồng giữa người bán hàng trực tuyến với người mua. Trong đó tại Điều 23 quy định: “Bộ Công Thương có trách nhiệm quy định cụ thể về quy trình giao kết hợp đồng trực tuyến trên website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức, cá nhân lập ra để mua hàng hóa, dịch vụ”, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết.

Thiết nghĩ, trong lúc chờ đợi hoàn thiện pháp luật, các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải tự bảo vệ mình bằng các trang website uy tín, bảo đảm về hàng hóa chất lượng và giá cả hợp lý… Về phía người tiêu dùng, hãy luôn chứng tỏ là người tiêu dùng thông thái, nói “không” với các website, các ứng dụng thương mại điện tử không có thương hiệu...

Bích Phương

Bài 3: Tạo môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh

Top