Bàn giải pháp triển kinh tế-xã hội Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19

26/02/2020 6:12 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 26/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chungg chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh

Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh hội nghị nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 09/01/2020 của UBND Thành phố về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020...

Đồng thời cho rằng, trong các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các đơn vị của Thành phố cần tập trung vào cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, bởi đây là giải pháp dễ thực hiện và đỡ tốn kém nhất.

Ngoài ra, cần tính đến việc tháo gỡ các vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư công; giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài; tạo ra môi trường thuận lợi, “thông thoáng” để khuyến khích đầu tư tư nhân; tăng các nguồn chi tiêu thường xuyên; đưa ra các hỗ trợ về vốn.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu phải có giải pháp cụ thể cho từng ngành nghề, lĩnh vực như nông nghiệp, may mặc, dịch vụ du lịch… “Nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển ngay từ bây giờ thì nguy cơ tụt hậu kinh tế vào những năm tới sẽ rất cao”, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, các chuyên gia quốc tế đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến tăng trưởng của Trung Quốc và toàn cầu nghiêm trọng hơn dịch SARS, thiệt hại có thể gấp 3 - 4 lần, bởi vai trò của Trung Quốc hiện nay lớn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra dịch SARS, hiện chiếm 18% GDP toàn cầu.

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới tăng trưởng của TP. Hà Nội, ông Quyền cho biết, sản xuất, kinh doanh tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 bị ảnh hưởng kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 6,1%). Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh như: Bia, rượu (giảm 23,2%); Giày, dép (giảm 5,5%); Sản phẩm bằng Plasstic (giảm 12,5%);... Một số sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch tăng như: Dược phẩm (tăng 55,6%); Thuốc trừ sâu, sản phẩm hóa chất (tăng 46,3%); Thuốc kháng sinh dạng bột, cốm (tăng 38,5%);…

Kim ngạch xuất khẩu giảm 19% (cùng kỳ tăng 15,5%). Kim ngạch nhập khẩu giảm 20,7% (cùng kỳ tăng 10,4%). Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát giảm 0,9% (cùng kỳ tăng 12,3%).

Khách du lịch giảm mạnh: Khách Trung Quốc giảm 60%; Malaysia giảm 34,9%; Singapore giảm 19,6%; Thái Lan giảm 13,4%;... Khách du lịch nội địa giảm 21,2%. Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 0,5%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 3%,...

Trong tháng, có 6/11 nhóm hàng có chỉ số giảm: Giao thông giảm 2,24%; Văn hóa giải trí và du lịch giảm 1,58%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,24%; May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,19%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; Bưu chính viễn thông giảm 0,13%.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dự báo sản xuất công nghiệp quý I/2020 vẫn tăng, tuy nhiên thấp hơn mức tăng của các năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5,75%. Trong trường hợp dịch bệnh được khống chế trong quý I/2020, sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 vẫn còn gặp khó khăn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu có nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ảnh hưởng trực tiếp với mức độ đáng kế là 06 nhóm ngành (dệt may, da giày, sản xuất Máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải; xuất khẩu nông sản; sản xuất gỗ và nguyên liệu gỗ; các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình).

Về du lịch, nếu dịch bệnh được kiểm soát và kết thúc trong quý I/2020, Giải đua xe công thức 1 diễn ra như kế hoạch; cùng với một loạt hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội diễn ra, ngành Du lịch Thủ đô chặn được đà suy giảm từ quý II và sẽ tăng trưởng trở lại từ quý III/2020. Số lượng khách du lịch quý I giảm 41,3%; quý II giảm 10%; quý III tăng 6,4%; quý IV tăng khá 15,5%. Nếu dịch bệnh diễn biến ngày càng nghiêm trọng, khách du lịch sụt giảm mạnh, tổng thu từ khách du lịch đạt 95.180 tỷ đồng, giảm 8,3% và đạt 81,5% kế hoạch…

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, hiện chưa đánh giá được hết được tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cả nước và Hà Nội, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào chương trình hành động của chúng ta.

Mặc dù dịch bệnh đang ảnh hưởng nhiều đến các ngành nghề như du lịch, công thương,…Tuy nhiên, TP. Hà Nội cũng nhìn thấy cơ hội và thuận lợi. Theo Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đó là cơ hội cho những ngành kinh doanh mới như thương mại điện tử,…; tận dụng cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam. “Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu tìm thị trường mới, thay đổi công nghệ”, Chủ tịch Thành phố nhấn mạnh.

Về giải pháp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, làm sao cho mọi người dân yên tâm, tự giác thực hiện. Đồng thời, làm tốt công tác phòng dịch, phấn đấu trên địa bàn Thành phố không để xảy ra lây nhiễm chéo.

Bên cạnh đó, tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy đầu tư trên địa bàn. Thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế (từng đơn vị, từng ngành cần rà soát, đưa ra các giải pháp thiết thực cho hiện tại và lâu dài). Ngoài ra cần có những giải pháp về vốn; việc làm…

Thùy Linh

Top