Bánh tẻ Phú Nhi-lưu giữ hồn quê từ chiếc bánh

30/01/2017 12:05 PM

(Chinhphu.vn) - Giữa lòng miền đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của nền văn minh sông Hồng, thị xã Sơn Tây được biết đến như trung tâm của một vùng văn hóa với núi Tản, sông Đà. Qua bao thăng trầm, vùng đất này vẫn giữ nét đẹp của một đô thị cổ xứ Đoài ngàn năm văn hiến, xứng đáng là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội.

Đặc sản bánh tẻ Phú Nhi

Làng nghề náo nức vào xuân

Về làng nghề trong không khí mùa xuân đang gõ cửa, trao đổi với phóng viên, ông Đặng Thành Nam - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh cho biết, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đã có thời kỳ bánh tẻ Phú Nhi nức tiếng một vùng, sự khác biệt của hương vị, gia vị và sự thơm ngon đã làm nên thương hiệu của bánh. Đó là niềm tự hào của người dân vùng ven đô và chiếc bánh giữ vững sức sống, giá trị cho làng nghề trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Chiếc bánh không chỉ là món quà dân dã, thân thiện mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân một làng cổ trù phú ven sông Hồng. Kỹ thuật làm bánh tẻ Phú Nhi hầu như người phụ nữ nào trong làng cũng biết làm, họ luôn tự hào về nghề làm bánh tẻ mà cha ông đã truyền lại.

Những ngày giáp Tết có lẽ được coi là chính vụ của làng nghề bánh tẻ Phú Nhi thuộc phường Phú Thịnh thị xã Sơn Tây, vùng ven đô phía Tây Nam của Thủ đô. Nguồn gốc ra đời của chiếc bánh tẻ Phú Nhi gắn với giai thoại về chuyện tình cảm động của đôi trai gái tên Nguyễn Phú và Hoàng Nhi vẫn được lưu truyền tới hôm nay. Sau này các gia đình trong làng đều làm loại bánh này để phục vụ trong gia đình những giỗ tết và mang ra chợ bán nên được nhiều người ưa thích. Nghề làm bánh tẻ Phú Nhi qua năm tháng đã trở thành nghề truyền thống.

Theo ông Nam, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi được chính quyền địa phương khôi phục và chú trọng các giải pháp kinh tế góp phần phát triển làng nghề và tạo việc làm cho người dân địa phương. Năm 2008 sản phẩm đã được trao tặng huy chương vàng vì giá trị truyền thống của sản phẩm và triển vọng về một sản phẩm du lịch hấp dẫn tại Hội chợ triển lãm sản phẩm làng nghề. Năm 2010 đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi.

Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về vai trò ý nghĩa trong việc xây dựng phát triển thương hiệu. Vấn đề chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được quản lý, kiểm tra thường xuyên, nghiêm ngặt. Các hộ dân làm bánh đều được tham gia lớp đào tạo bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ nâng cao tay nghề, quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo uy tín của thương hiệu làng nghề, hỗ trợ trang thiết bị chế biến nguyên liệu. Với thế mạnh về vị trí địa lý, văn hóa lịch sử, chính quyền cơ sở đang trong quá trình đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch làng nghề nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa địa phương và phát triển kinh tế xã hội, thu hút vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân.

Tình làng nghĩa xóm trong chiếc bánh của quê hương

Về ngôi làng cổ, chúng tôi được gặp gỡ gia đình ông Nguyễn Xuân Hùng-chủ cơ sở bánh tẻ Vân Hùng ở khu phố Phú Nhi 2 một thương hiệu có tiếng trong vùng. Khi được hỏi về các công đoạn làm bánh và ý nghĩa của chiếc bánh tẻ, ông đã không giấu được cảm xúc tự hào “nghề bánh tẻ đã có từ đời các cụ, bánh tẻ Phú Nhi khác với bánh tẻ ở địa phương khác nên ăn một lần rồi nhớ mãi.

Là nghệ nhân giỏi và tâm huyết với nghề truyền thống của các cụ truyền lại, nên số lượng đơn đặt hàng ngày bình thường cùa gia đình ông Hùng vốn đã nhiều, giờ dịp lễ Tết cận kề, khắp nơi đặt bánh, ngoài 20 Tết là không nhận nữa vì sợ không kịp làm cho khách.

Nguyên liệu làm nên chiếc bánh ngon gồm lá bảnh tẻ quê, hoặc lá dong rừng gói bên trong, lá chuối khô gói ngoài. Gạo phải chọn loại gạo ngon nhất, thơm tự nhiên, tùy theo thời tiết nên ngâm gạo cho đủ thời gian nếu thời tiết nóng thì ngâm gạo khoảng 2 ngày, nhưng trời lạnh ngâm lâu hơn vì như thế bánh mới ngon, mềm không bị cứng. Nhân bánh làm từ thịt lợn, mọc nhĩ, hành khô, chút hạt tiêu, gia vị gia giảm. Chọn nhân cũng quan trọng luôn phải tươi ngon, đúng loại thịt vì nó quyết định phần lớn chất lượng, giá trị của chiếc bánh.

Vấn đề an toàn thực phẩm được gia đình ông rất coi trọng, ông bảo làm nghề gì cũng phải có cái tâm, cái đức. Với cá nhân ông hay những người làm bánh của làng Phú Nhi thì điều thiêng liêng hơn cả là uy tín thương hiệu làng nghề mà ông cha gây dựng, với thế hệ hậu bối họ luôn tâm niệm phải gìn giữ, phát huy “đặc sản” quê hương.

Bánh tẻ, thứ bánh giản dị mang hương vị của trời, của đất của dư vị tình người, quà quê của người nông dân hai sương một nắng. Thứ quà bánh ấy là món ăn hàng ngày của bà con dân làng và xưa kia còn là món bánh dâng tiến vua. Đặc biệt trong những ngày lễ hội, ngày Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, món bảnh tẻ không thể thiếu trên mỗi ban thờ tổ tiên và trong mâm cơm ngày Tết.

Từ bao đời nay, người làng Phú Nhi vẫn giữ phong tục dùng món bánh tự tay họ làm làm quà tặng, quà biếu người thân, người xa xứ như lời nhắn nhủ luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về hương vị truyền thống.

Làn sương chiều xa buông

Gió về hương ngát thơm

Đưa hồn về đâu

……………

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em đã bao ngày em nhớ thương.

(trích dẫn trong bài Đôi mắt người Sơn Tây-cố nhà thơ Quang Dũng)

Bài, ảnh: Tú Mai

Top