Báo cáo xử lý vi phạm mương Phan Kế Bính và Nghĩa Đô trước 30/9

07/09/2019 5:00 PM

(Chinhphu.vn) - Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đã giao các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm các vi phạm trong quá trình lập, triển khai thực hiện và quản lý sau đầu tư tại 2 dự án cống hóa mương Phan Kế Bính và mương Nghĩa Đô, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 30/9/2019.

Cho biết về hoạt động chỉ đạo, điều hành trong tuần qua của UBND TP. Hà Nội, Văn phòng UBND Thành phố cho biết, tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ngày 5/9, UBND Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính và Chủ tịch UBND các quận Ba Đình, Cầu Giấy tiếp tục xử lý dứt điểm các vi phạm trong quá trình lập, triển khai thực hiện và quản lý sau đầu tư tại 2 dự án cống hóa mương Phan Kế Bính và mương Nghĩa Đô.

Đối với những nội dung còn vướng mắc, chưa hoàn thành, đề nghị các đơn vị báo cáo rõ lý do, đề xuất biện pháp xử lý, dự kiến thời gian hoàn thành.

UBND Thành phố cũng giao Thanh tra Thành phố chủ trì kiểm tra, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện; tham mưu giải quyết các tồn tại, vướng mắc và xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố, tổng hợp kết quả, dự thảo Báo cáo của UBND Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng ý ý tưởng thiết kế tổng thể 131 vòm cầu đường Phùng Hưng

Cũng trong tuần qua, UBND TP. Hà Nội đã đồng ý nguyên tắc ý tưởng thiết kế tổng thể phương án tổng thể phát triển không gian văn hóa thương mại dịch vụ tại khu vực 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên quận Hoàn Kiếm.

Theo đó, Thành phố đồng ý nguyên tắc ý tưởng thiết kế tổng thể phát triển không gian văn hóa thương mại dịch vụ tại khu vực 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên quận Hoàn Kiếm và ý tưởng phân chia chức năng khu vực sử dụng theo chủ đề.

Việc này được giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, trình duyệt phương án thiết kế quy hoạch theo quy định, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 10/9/2019.

Đồng thời giao UBND quận Hoàn Kiếm đôn đốc đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ thiết kế tổng thể và chi tiết dự án; đề xuất mô hình cơ chế đầu tư, cơ chế khai thác kinh doanh đảm bảo đúng quy định về quản lý và sử dụng tài sản công; đề xuất hình thức đầu tư và lưa chọn nhà đầu tư, báo cáo UBND Thành phố để báo cáo Thường trực Thành ủy.

Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hoá thể thao

Nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục thể thao đến năm 2025, Thành phố đã ban hành văn bản về việc ưu tiên, khuyến khích việc thành lập, tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát triển giá trị các loại hình, TDTT truyền thống, thể thao dân gian; các môn thể thao thành tích cao có tiềm năng phát triển; các môn thể thao du nhập phù hợp với thuần phong mỹ tục và sở thích của người dân Thủ đô... Nguyên tắc xã hội hóa: Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nhân dân tự bỏ vốn thực hiện; Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế chính sách không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư.

Hoạt động xã hội hóa TDTT được nêu cụ thể: Xã hội hóa Thể dục thể thao quần chúng bao gồm TDTT trên địa bàn quận, huyện, thị xã; TDTT trong trường học; TDTT trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Xã hội hóa Thể thao thành tích cao và Thể thao chuyên nghiệp. Về thể thao chuyên nghiệp: từng bước khuyến khích việc xã hội hóa các môn thể thao theo 3 mức: các môn thể thao có thể xã hội hóa ở mức 10%: Thể dục, Điền kinh, Bơi lội, Bóng ném, Cử tạ, Bi sắt. Các môn thể thao có thể xã hội hóa ở mức dưới 30%: Cầu lông, Quần vợt, Võ thuật, Xe đạp, Đấu kiếm, Cầu mây, Đua thuyền, Vật. Các môn thể thao có thể xã hội hóa ở mức trên 70%: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Khiêu vũ thể thao.

Theo đó, Thành phố yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động xã hội hóa TDTT trên tinh thần bình đẳng trước pháp luật, được hưởng những chính sách đãi ngộ, chính sách khen thưởng của nhà nước một cách thuận lợi.

Khuyến khích và cho phép cá nhân, tổ chức ngoài công lập được đầu tư xây điểm vui chơi giải trí, hoạt động TDTT từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và cơ sở. Xây dựng các chính sách đối với hoạt động tài trợ, quảng cáo, môi giới, chuyển nhượng VĐV, HLV trong lĩnh vực TDTT; khuyến khích thành lập các công ty tiếp thị và quảng cáo thể thao để tạo điều kiện nhanh chóng phát triển thị trường TDTT.

Hòa An

Top