Báo chí Hà Nội cần sáng tạo hơn trong công tác truyền thông

09/04/2020 4:37 PM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Hà Nội đã là một kho thông tin đồ sộ, chính vì thế các cơ quan báo chí Thành phố cần đổi mới, năng động và sáng tạo, nhạy bén và chủ động hơn để khai thác, lan tỏa các thông tin về Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Gia Huy

Sáng 9/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về giải pháp tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, kết quả thực hiện Quy hoạch các cơ quan báo chí Thành phố; công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19...

Còn hạn chế về nhạy bén thông tin

Đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ của Sở TT&TT về quản lý báo chí, xuất bản, truyền thông; công nghệ thông tin; bưu chính viễn thông, Giám đốc Sở Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết đơn vị đã nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; chủ động dự báo, phát hiện, tham mưu xử lý các vấn đề “nóng”, bức xúc báo chí phản ánh và dư luận quan tâm.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Sở đã tập trung tham mưu, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng Thành phố thông minh, nhất là triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đảm bảo về hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, thông suốt và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Sở TT&TT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025. Theo Đề án, đến hết năm 2020 Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí, gồm 5 báo, 2 tạp chí, 1 đài phát thanh - truyền hình (giảm 10 cơ quan báo chí). Trong đó, dừng hoạt động 6 tạp chí và 3 cơ quan báo; giữ ổn định 4 cơ quan báo là Kinh tế và Đô thị, Phụ nữ Thủ đô, Lao động Thủ đô, Tuổi trẻ Thủ đô; sáp nhập Báo Pháp luật và Xã hội vào Báo Kinh tế và Đô thị...

Đối với việc tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, các cơ quan báo chí Thành phố đã đăng tải trên 21.000 tin bài, tập trung thông tin, tuyên truyền về diễn biến, tình hình dịch trên Thế giới, Việt Nam và Hà Nội; các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thành phố về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Kịp thời tuyên truyền, đấu tranh có hiệu quả đối với các thông tin sai lệch về dịch bệnh, gây mất ổn định xã hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý, các cơ quan báo chí Thành phố luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Thành phố, không có tình trạng “câu like, câu view”. Tuy nhiên độ nhạy bén về thông tin còn hạn chế.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các cơ quan báo chí Thành phố cũng đánh giá, mặc dù Thành ủy, UBND Thành phố đã có nhiều chỉ đạo, nhưng việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí còn hạn chế, nhất là những vụ việc “nóng”, dư luận quan tâm. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, Thành phố cần có cơ chế cung cấp thông tin thường xuyên, sâu sát hơn; hỗ trợ các cơ quan báo chí về công nghệ làm báo mới để xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ.

Nghiên cứu xây dựng trung tâm báo chí

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, lãnh đạo Thành ủy rất quan tâm công tác truyền thông, báo chí. Vì vậy, buổi làm việc để lắng nghe, qua đó hiểu rõ hơn tình hình, việc tham gia của báo chí vào những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố; việc thực hiện quy hoạch báo chí, công tác tự chủ tài chính, những khó khăn vướng mắc đối với các cơ quan báo chí, nhất là đối với báo in.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ Sở TT&TT, những kết quả thực hiện nhiệm vụ của Sở đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của toàn Thành phố.

Đối với các cơ quan báo chí Thành phố, Bí thư Thành ủy đánh giá đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, các cơ quan báo chí chính thống của Thành phố đã làm chủ được thông tin, lấn át được những thông tin không chính xác trên mạng, qua đó góp phần định hướng dư luận.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cho rằng, các cơ quan báo chí Thành phố còn thiếu tính nhạy bén, chủ động; chưa khai thác hết và chưa tương xứng với vị thế của báo chí Thủ đô.

Bí thư Hà Nội lưu ý bản thân Hà Nội đã là một kho thông tin đồ sộ, chính vì thế các cơ quan báo chí Thành phố cần đổi mới, năng động, sáng tạo hơn để khai thác, làm lan tỏa các thông tin của Thành phố.

Bí thư Thành ủy cũng giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố nghiên cứu, xây dựng một trung tâm báo chí của Thành phố bằng hình thức xã hội hóa để tạo thành ngôi nhà chung, đáp ứng các yêu cầu cho báo chí hoạt động hiệu quả. Cùng với các cơ quan báo chí Thành phố, Sở TT&TTcũng cần tăng cường, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin cơ sở, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và có sự đổi mới, phù hợp với thực tiễn.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, báo chí xuất bản của Thành phố còn rất lớn, Bí thư Thành ủy lưu ý Sở TT&TT cần chú trọng tham mưu, triển khai hiệu quả quy hoạch phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin; đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, đưa công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu Sở TT&TT tăng cường thông tin về các nhiệm vụ chính trị của Thành phố, việc tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đặc biệt chú trọng thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Gia Huy-Thành Chung

Top