Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ sản xuất chuỗi liên kết

04/08/2020 1:15 PM

(Chinhphu.vn) - Để tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm về an toàn thực phẩm trong sản xuất thịt lợn đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, ngày 4/8, Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội thảo Phổ biến kiến thức VSATTP trong chuỗi sản xuất thịt lợn.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thiện Tâm.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2019 xảy ra dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc đã làm cho tổng đàn lợn bị sụt giảm. Đến tháng 6/2020 theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,92 triệu con, tương đương 80% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018), tăng trưởng bình quân khoảng 5%/tháng.

Có thể thấy hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang từng bước được khống chế. Luật Chăn nuôi với các điều kiện, quy định tương đối toàn diện giúp ngành chăn nuôi thời gian tới có hành lang pháp lý ổn định để thúc đẩy phát triển theo chuỗi, theo chiều sâu và bền vững. Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành những nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới. Trong đó có những nội dung, Nghị quyết về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất rõ ràng, là căn cứ quan trọng để ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng bám sát trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng đề án trong giai đoạn tới. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, việc phát triển, gia tăng số lượng đàn gia súc gia cầm trong giai đoạn hiện nay là vô cùng quan trọng. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, ngành chăn nuôi lợn đã bị tác động trong suốt thời gian qua nhưng hiện nay ngành chăn nuôi lợn đang dần khôi phục thông qua việc tiếp tục duy trì tái đàn và chỉ đạo tăng đàn tái đàn. Song song đó việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế mang lại lợi nhuận cho người sản xuất vừa bảo đảm VSATTP cho người tiêu dùng, việc liên kết chuỗi từ khâu chăn nuôi đến bàn ăn đóng vai trò then chốt, bền vững và mang tính lâu dài hiệu quả. Hiện nay trên cả nước đã có nhiều chuỗi sản xuất khép kín liên kết theo chuỗi mang lại giá trị và bảo đảm tiêu chí an toàn thực phẩm như chuỗi thực phẩm AZ của HTX Hoàng Long, chuỗi sữa bò của trang trại nông trang...

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, thịt lợn là loại thịt phổ biến ở Việt Nam, chiếm 70% trong cơ cấu các loại thịt trong bữa ăn người Việt và nước ta đứng thứ 7 trên thế giới về tiêu thụ thịt lợn. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh thị trường đòi hỏi thịt lợn phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, vấn đề liên kết chuỗi được các chuyên gia đánh giá là giải pháp quan trọng trong phát triển chăn nuôi hiện đại và bền vững ở Việt Nam. Đây cũng là giải pháp được nhiều nước áp dụng để kết nối sản xuất với thị trường, tăng tính dự báo; đảm bảo an toàn chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời đảm bảo cung cầu, phân bổ lợi nhuận hợp lý.

Tại Hà Nội, trước vấn đề mất an toàn thực phẩm đang diễn ra phổ biến với nhiều hình thức khác nhau do các lỗi chủ quan và khách quan của các tác nhân tiêu thụ sản phẩm cũng như nhóm tác nhân trực tiếp sản xuất, từ năm 2013 Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (nay là Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội) đã tham mưu cho Sở NN& PTNT chỉ đạo việc tổ chức liên kết trong chăn nuôi và từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm với mục tiêu bước đầu là thay đổi lại nhận thức của các tác nhân tham gia chuỗi liên kết, tạo ra dấu hiệu nhận biết cho sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi. Đến nay các chuỗi đã được hình thành và cung cấp ra thị trường một sản lượng lớn sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, có đầy đủ nhãn hiệu để nhận biết như thịt lợn AZ của HTX Hoàng Long (Thanh Oai); thịt lợn sinh học Quốc Oai của HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (Quốc Oai), Thịt lợn sinh học Phúc Thọ của HTX Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (Phúc Thọ), gà đồi Ba Vì của Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì...

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương tiêu thụ lượng lớn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trong đó khoảng 60% từ chăn nuôi của Thành phố, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài. Hiện  nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô khoảng 20.000 tấn thịt lợn hơi/tháng, thịt bò 5.230 tấn/tháng, thịt gà 5.200 tấn/tháng, thực phẩm chế biến 5.050 tấn/tháng… Những năm qua với sự quan tâm của các cấp các ngành, đặc biệt sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống Thú y từ thành phố đến các quận huyện công tác quản lý động vật và sản phẩm động vật đã có chuyển biến tích cực. Trong đó việc quản lý và thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát giết mổ và các cơ sở giết mổ được các cấp chính quyền cho phép. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được đẩy mạnh.

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn được thực hiện thường xuyên, đúng quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ, chế biến gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố theo mô hình chuỗi liên kết sản phẩm. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, hộ kinh doanh và cả người tiêu dùng, qua đó mới bảo đảm được vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm...

Với việc tăng cường công tác quản lý, Hà Nội đã từng bước thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng sang sử dụng thịt tươi mát, được bảo quản trong các hệ thống làm mát, cấp đông được bảo quản ngay từ khi giết mổ. Lựa chọn và chỉ sử dụng các sản phẩm rõ nguồn gốc đã được các cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan Thú y) kiểm tra, giám sát về chất lượng, vệ sinh thú y.

Đồng thời thực hiện tốt các quy định của địa phương xây dựng liên kết chuỗi, từ chăn nuôi đến giết mổ đến chế biến để đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo điều kiện để các cơ sở chăn nuôi phát triển bền vững. 

Thiện Tâm

Top