Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận gần 1 nghìn hiện vật được hiến tặng

12/09/2018 6:50 PM

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm đến hết tháng 8/2018, Bảo tàng Hà Nội đã vận động, tiếp nhận đưa về bảo tàng gần 1 nghìn hiện vật liên quan đến văn hóa tín ngưỡng, cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20, hiện vật thời kỳ kháng chiến và thời kỳ bao cấp.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trao Trương Minh Tiến trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân hiến tặng hiện vật. Ảnh: Hòa An

Chiều 12/9, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức lễ vận động hiến tặng, tiếp nhận và công bố kết quả vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội năm 2018. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác sưu tầm để kịp thời phục vụ cho thiết kế chi tiết trưng bày thường xuyên và thi công trong năm 2019.

Đến ngày 1/9/2018 đã có 37 cá nhân, tổ chức hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Bảo tàng Hà Nội đã vận động, tiếp nhận đưa về bảo tàng gần 1 nghìn hiện vật trong tổng số 1.065 hiện vật còn thiếu so với thiết kế và đề cương kịch bản trưng bày.

Nhóm hiện vật sưu tầm được chủ yếu liên quan đến văn hóa tín ngưỡng, cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20, hiện vật thời kỳ kháng chiến và thời kỳ bao cấp.

Các tư liệu, hiện vật hiến tặng Bảo tàng Hà Nội trong đợt này gồm: Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội 2 viên gạch đá ong; hiện vật liên quan đến tục ăn trầu; bộ đồ thờ của người Dao; bộ đồ Hầu đồng của Đạo mẫu; bộ đồ của Hiệu thuốc Toàn Mỹ (56 Lãn Ông); bộ dụng cụ làm bạc gồm có Bàn thợ và các dụng cụ đi kèm; bộ bàn chế tác và bộ đồ nghề bạc; sản phẩm gốm của cố nghệ nhân Lê Văn Cam tạo tác; công cụ sản xuất và một chiếc xe đạp nam (mua năm 1960), một xe máy (mua năm 1980); nhóm hiện vật từ các xưởng gốm và cá nhân hiến tặng Bảo tàng Hà Nội nhằm phục vụ tái tạo xưởng gốm Bát Tràng…

Gia đình nghệ nhân Lê Văn Thụ tại xóm 4, Giang Cao, Bát Tràng là con trai của cố nghệ nhân, thương binh Lê Văn Cam (1930 - 2017). Hiện nay gia đình ông còn lưu giữ được một số hiện vật do chính tay nghệ nhân Lê Văn Cam làm và hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội gồm nhóm công cụ sản xuất (bàn xoay, mây tiện); nhóm dụng cụ vẽ; nhóm dụng cụ sửa (dao tỉa, bay) và nhóm hiện vật sinh hoạt gia đình (xe máy và xe đạp).

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông ( đại diện là bà Triệu Thị Thực- vợ của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh) đã hiến tặng cho  Bảo tàng Hà Nội chiếc áo sơ mi nữ may bằng lụa Long Vân. Áo được may từ năm 2010. Năm 2009-2010, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh đã nghiên cứu và sáng tạo ra mẫu lụa Long Vân mới với đề tài “ Lưỡng long chầu Khuê Văn Các” để tham gia dự thi.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông hiến tặng lại cho Bảo tàng Hà Nội mẫu áo sơ mi của cụ Phạm Văn Kiệm may bằng lụa xuyến bảy từ những năm 1971. Lụa xuyến bảy là một loại lụa truyền thống của làng Vạn Phúc, được dệt trên khung dệt lụa vân, hiện nay gần như không còn sản xuất loại này nữa.

Bộ chế tác kim hoàn được gia đình ông Nguyễn Danh Tú, phố Hàng Bạc trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Hòa An

Toàn bộ những hiện vật, tư liệu mà Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận được trong đợt này có giá trị văn hóa, tinh thần, minh chứng cho sự phát triển của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Đó là những hiện vật thể hiện tình yêu Hà Nội của các tổ chức, cá nhân cống hiến cho ngành văn hóa Thủ đô.

Theo Bảo tàng Hà Nội, trong thời gian tới, Bảo tàng mong muốn tiếp tục đón nhận những tấm lòng của các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật, tài liệu, với mục đích ngày càng có nhiều hơn những hiện vật có giá trị, những câu chuyện ý nghĩa được chia sẻ, được giới thiệu với công chúng.

Bảo tàng Hà Nội sẽ cùng các chuyên gia kết nối những câu chuyện riêng của mỗi hiện vật thành câu chuyện chung về ký ức Hà Nội.

Hòa An

Top