Bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội

09/11/2016 4:40 PM

(Chinhphu.vn) - Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa khu phố cổ chính là mục tiêu, giải pháp và là động lực để quận Hoàn Kiếm phát triển theo hướng thương mại-du lịch-dịch vụ một cách bền vững, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Khu phố cổ Hà Nội góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Nhận định chung của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo “Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống khu phố cổ Hà Nội - khó khăn và giải pháp” tổ chức ngày 9/11 đều cho rằng, khu phố cổ Hà Nội, “36 phố phường” là một quần thể kiến trúc độc đáo, đa dạng, sinh động với nhà hình ống xen kẽ, hòa quyện vào nhau.

Theo TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội, đặc điểm chung của khu phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”, tiếp đó là một từ chỉ nghề nghiệp… đến nay vẫn hiện hữu tuy sản xuất hàng thủ công không còn như xưa.

Khác với các phố cổ trên thế giới, phố cổ Hà Nội diễn ra đồng thời nhiều hoạt động của đời sống xã hội, lưu giữ một kho tàng di sản với 121 di tích lịch sử - văn hóa phong phú của Thăng Long - Hà Nội, bảo tồn các nhà di sản tổ nghề cùng với một số phố nghề.

Khu phố cổ Hà Nội biến đổi và đời sống xã hội - dân cư cũng chuyển biến thích ứng theo sự phát triển Thủ đô. Song, vẫn bảo tồn những dấu tích truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, lễ hội, ẩm thực, nếp sống thanh lịch - hiện đại…

Cũng theo TS. Lưu Minh Trị, ngày nay, trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, lễ hội truyền thống ở khu phố cổ Hà Nội không còn diễn ra đầy đủ như thời xưa nhưng vẫn được cộng đồng duy trì các lễ hội ở cấp độ khác nhau, hấp dẫn người dân phố cổ và khách du lịch.

Theo bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, khu phố cổ Hà Nội (khu 36 phố phường) là nhân tố quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội, là di sản đô thị vô cùng quý báu cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong đời sống đô thị hiện đại.

Với diện tích khoảng 82 ha, bao gồm địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm nhưng tại khu phố cổ Hà Nội có tới 121 các công trình di tích lịch sử, cách mạng và tôn giáo. Người Hà Nội sinh sống trong không gian này hiện nay vẫn duy trì nếp sống, tập tục làm ăn, tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng với cách ứng xử và các thói quen, lễ nghi nề nếp tiêu biểu “văn hóa Hà Nội”. Khu phố cổ còn là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội hàng năm gắn với các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu thờ Tổ nghề, các hội chợ gắn với nghề truyền thống, các hoạt động kinh doanh sản xuất tại các phố nghề đặc trưng. Tất cả những yếu tố đó góp phần vào kho tàng văn hóa, nguồn di sản quý giá của Hà Nội, làm cho khu phố cổ vừa là nơi tập trung hoạt động thương mại phong phú nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống.

Trong thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trùng tù, tôn tạo các công trình di tích có giá trị văn hóa, lịch sử trong khu phố cổ bằng ngân sách và nguồn xã hội hóa; nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; tập trung tuyên truyền quảng bá giới thiệu về hình ảnh khu phố cổ để nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử khu phố cổ; kêu gọi đầu tư từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước bằng nguồn vốn xã hội hóa để cải tạo các công trình công cộng phục vụ lợi ích dân sinh trong khu phố cổ để gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa với phát triển Thương mại - Du lịch - Dịch vụ chung của quận.

Hiện nay, hoạt động tuyến phố đi bộ đã và  đang tạo ra được một sản phẩm du lịch mới, có sức hút rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước, được đại bộ phận nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tạo ra không gian văn hóa giá trị mới cho người dân Thủ đô.

TS.KTS. Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, từ  năm 1985 khi “Khu 36 phố phường” Hà Nội được gọi là “Khu phố cổ” đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu và thí điểm thực hiện một số nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát triển khu phố này. Nhưng thực tế vẫn còn những vấn đề, cần được làm rõ những khó khăn và giải pháp để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Nguyên nhân còn khó khăn là sự đối nghịch giữa nhu cầu phát triển với yêu cầu bảo tồn không gian khu phố cổ, nhiều công trình xây mới có quy mô và hình thức kiến trúc phá hoại không gian truyền thống.

Chính vì vậy, TS.KTS. Ngô Doãn Đức  nêu ý kiến tôn tạo hình ảnh và không gian khu phố cổ thông qua quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đầy đủ, tính toán bổ sung các điểm hoạt động văn hóa để phục vụ tích cực cho việc phát huy văn hóa truyền thống phục vụ du lịch trong khu phố cổ; nghiên cứu lựa chọn vị trí một nhóm nhà để tái tạo hình ảnh nhà ống; xây dựng đủ hồ sơ để làm cơ sở quản lý cũng như chỉnh trang các tuyến phố; bổ sung và hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ khách du lịch; tạo cơ chế thích hợp để người dân tham gia đầu tư vào các dự án bảo tồn khu phố cổ.

Hòa An

Top