Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước

02/06/2020 4:54 PM

(Chinhphu.vn) – Thời gian qua, thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), nhưng tình trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn đang xảy ra phổ biến và ngày càng phức tạp. Do đó, để bảo vệ tốt hơn quyền của người tiêu dùng, các ngành chức năng cần có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, thực thi bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng được mua hàng hóa đúng giá niêm yết tại siêu thị. Ảnh: Bích Phương

Từng là khách hàng mua sản phẩm online, chị Đỗ Thị Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, đã 2-3 lần chị mua hàng và nhận được sản phẩm không giống với quảng cáo. “Nhiều khi vì bận bịu công việc nên tôi thường mua quần áo trực tuyến, nhưng khi nhận hàng thì kiểu dáng không giống và màu sắc khác với hình ảnh mà người bán đăng”. Tuy nhiên do thiệt hại về tài chính không nhiều nên chị ngại gõ cửa cơ quan công quyền.

Những khách hàng như chị Tâm chỉ là một trong số ít người tiêu dùng bị vi phạm quyền lợi. Theo Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Nguyễn Sinh Nhật Tân, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định người tiêu dùng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả… như niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Năm 2019, Cục đã tiếp nhận và giải quyết hơn 5.000 đơn khiếu nại của người tiêu dùng.

Nhóm hành vi có tỷ lệ khiếu nại cao thường liên quan đến việc giao kết hợp đồng (chiếm tỷ lệ 20%); cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, không thuận tiện…, dẫn đến bị hiểu nhầm khi quyết định mua bán, sử dụng dịch vụ (chiếm 17%); chất lượng sản phẩm, dịch vụ không bảo đảm, giao hàng chậm (chiếm 14%)... Hầu hết những hành vi vi phạm trên phát sinh qua giao dịch trực tuyến, tức người mua không tiếp cận trực tiếp với mặt hàng.

Tuy nhiên, thực tế mức độ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể còn lớn hơn vì nhiều người tiêu dùng thường bỏ qua các vi phạm của nhà sản xuất, nhà phân phối do có tâm lý ngại va chạm, sợ phiền hà hoặc mất thời gian cũng như do dự không biết việc khiếu nại có đem lại kết quả hay không.

Tăng cường giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng thẳng thắn nhìn nhận, vị trí của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chưa được “định vị” trong quan hệ với các luật chuyên ngành, cũng như quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác trong việc phối hợp bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng chưa được quy định rõ ràng, hoặc chưa bổ sung đầy đủ trong luật.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên nhận định, do các quy định của pháp luật còn một số bất cập, nên thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn phổ biến ở nhiều cấp độ và ngày càng phức tạp. Nhiều quy định hiện hành chỉ phù hợp với các giao dịch truyền thống, mà chưa tính đến một số phương thức mới, hiện đại, như thương mại điện tử. Quan trọng hơn, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại không lên tiếng khi quyền lợi bị xâm hại…

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, liên tục từ Trung ương tới địa phương và trong tất cả các ngành, lĩnh vực về bảo vệ người tiêu dùng, Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Chương trình đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, xác định rõ vai trò, đầu mối, điều tiết và giám sát các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng;... Trong đó, đi đôi với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát không để lưu thông trên thị trường hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng; cơ quan chức năng sẽ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm soát chặt chẽ các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, nhất là các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu…

Có thể thấy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.

Bích Phương

Top