Biến rác thải thành sản phẩm có giá trị

18/05/2023 11:01 AM

(Chinhphu.vn) - Đề án "Phụ nữ Sóc Sơn phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023" đã lan tỏa được một cách cải thiện môi trường hiệu quả và bền vững.

Biến rác thải thành sản phẩm có giá trị - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đường 2, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nói đến huyện Sóc Sơn (Hà Nội), vấn đề rác thải luôn khiến người dân trong vùng lo ngại. Đặc biệt là những rác thải từ nông nghiệp chiếm số lượng lớn luôn là vấn đề nóng, gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân.

Qua nhiều trăn trở Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Sóc Sơn đã xây dựng, triển khai Đề án: "Phụ nữ Sóc Sơn phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023".

Từ những chế phẩm phân bón hữu cơ đầu tiên

Từ tháng 2/2021, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn được lựa chọn là xã điểm và đã từng bước bắt tay triển khai đề án "Phụ nữ Sóc Sơn phân loại rác thải tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023". Trong đó, hội viên phụ nữ thôn Yêm là những người được Hội LHPN huyện Sóc Sơn tổ chức tập huấn để thực hiện sớm nhất.

Bà Nguyễn Thị Xoa, Chi hội trưởng, Chi hội Phụ nữ thôn Yêm, xã Đông Xuân cho biết: "Chúng tôi tận dụng mọi khoảng thời gian, thậm chí là buổi tối để tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên phụ nữ, từ cách phân loại rác thải sinh hoạt (loại nào vô cơ, loại nào hữu cơ), ý nghĩa của việc làm này, cách tạo chế phẩm sinh học IMO (men vi sinh bản địa dùng để xử lý rác hữu cơ) từ các nguyên liệu sẵn có trong căn bếp mỗi gia đình: đường, sữa chua, men tiêu hóa, men rượu, nước lã, quả chuối, quả đu đủ, cám gạo.

Từ đó, đưa IMO vào sử dụng để xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, giúp rác không còn mùi hôi thối sau khi phân hủy. Một số khác lại được tận dụng để tạo ra các sản phẩm phân bón hữu cơ, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp sạch.

Bà Hoàng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đường 2, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn cho biết: Trước đây, môi trường sống trên địa bàn thôn chưa được người dân quan tâm như bây giờ. Một bộ phận người dân trong các tổ dân phố vẫn tuỳ tiện để rác thải không đúng nơi quy định.

Từ tháng 1/2022, thực hiện cuộc vận động của Chi hội Phụ nữ thôn Đường 2, trên cơ sở kinh phí xã hội hoá, người dân đã đóng góp, ủng hộ thêm kinh phí để bố trí những thùng chứa đựng rác thải vô cơ - hữu cơ. Bà con được tuyên truyền để phân loại rác thành hai nhóm riêng biệt.

"Rác vô cơ sẽ được công ty vệ sinh môi trường vận chuyển đi để xử lý tập trung. Trong khi đó, các loại rác hữu cơ, chủ yếu là rau củ quả thừa, tàn dư hoa, cây cảnh… sẽ được hội viên Chi hội Phụ nữ xử lý thông qua một loại men vi sinh", bà Liên cho hay.

Mô hình "Phụ nữ Sóc Sơn phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023" được Hội LHPN huyện quan tâm xây dựng và xác định là một trong những mô hình thiết thực, hiệu quả của các cấp Hội; nhằm chung tay bảo vệ môi trường sống, biến rác thải hữu cơ thành nguồn tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp, xử lý mùi ô nhiễm không khí từ chăn nuôi, tạo ra những sản phẩm mang tính sinh kế bền vững cho hội viên phụ nữ.

Biến rác thải thành sản phẩm có giá trị - Ảnh 2.

Các thùng phân loại rác thải tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Phát triển mô hình bền vững

Để triển khai Mô hình "Phụ nữ Sóc Sơn phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ giai đoạn 2021-2023", Hội LHPN huyện Sóc Sơn đã có ký kết liên tịch số 7 với UBND huyện trong phối hợp thực hiện, đồng thời triển khai tới 100% các xã, thị trấn trên địa bàn. Hội LHPN huyện Sóc Sơn đã lựa chọn, tổ chức 6 buổi tập huấn cho hội viên tại 2 đơn vị được lựa chọn làm điểm là thôn Yêm - xã Đông Xuân và thôn Tân Phú - xã Phú Cường, về cách phân loại rác thải sinh hoạt và tạo chế phẩm sinh học IMO để xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng nguyên liệu đơn giản, dễ tìm..

Ngoài ra, Hội LHPN huyện Sóc Sơn còn phối hợp với Trung tâm văn hóa thông tin huyện phát 15 tin bài tuyên truyền, tích cực sử dụng các trang mạng xã hội (facebook, zalo nhóm, fanpage) để truyền thông về các nội dung, tiêu chí của Đề án và mô hình "Phụ nữ Sóc Sơn phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình và khởi nghiệp từ rác hữu cơ"…

Cùng với hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trong gia đình để tạo chế phẩm IMO, phụ nữ Sóc Sơn còn làm rất tốt mô hình "Nói không với đốt rơm rạ, chung tay bảo vệ môi trường". Theo đó, sau vụ thu hoạch lúa, thay vì hun đốt rơm rạ xả thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, nhất là an toàn đường bay của sân bay Nội Bài, cán bộ, hội viên, nhân dân đã xử lý rơm rạ ủ thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.

Sau gần 1 năm triển khai, qua nghiệm thu kết quả thực hiện mô hình, bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn cho biết: "Trước khi triển khai mô hình này, tại các khu dân cư, do người người dân chưa có ý thức và chưa biết cách phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt nên việc xả rác thải sinh hoạt ra môi trường còn tùy tiện, dẫn đến lượng rác sinh hoạt tích tụ ngoài môi trường khá lớn. Trong khi công ty môi trường chỉ đến thu gom 2 lần/tuần, điều này gây ra tình trạng rác ứ đọng, bốc mùi hôi thối, mất cảnh quan khu dân cư và ô nhiễm môi trường.

Nhưng hiện nay, sau khi được tuyên truyền, tập huấn phương pháp phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, người dân đã nhận ra được lợi ích khi sử dụng chế phẩm IMO trong xử lý rác thải hữu cơ, biến chúng thành phân hữu cơ bón cho hoa màu, tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp; đặc biệt còn xử lý được ô nhiễm không khí, mùi hôi thối trong chăn nuôi chuồng trại, cống rãnh, các khu vệ sinh.

Vì vậy, tình trạng xả rác thải bừa bãi ra đường, ra môi trường đã được cải thiện rõ rệt, ô nhiễm môi trường do rác sinh hoạt gây ra cũng giảm đáng kể. Hội viên, phụ nữ và người dân đã tự biết cách xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần giảm được 1/3 lượng rác thải ra môi trường".

Bà Nguyễn Thị Tuyến nhìn nhận: Có thể thấy, mô hình bước đầu đã cho hiệu quả, được huyện ủy Sóc Sơn ghi nhận, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và cho rằng mô hình này cần được nhân rộng trong thời gian tới. Nếu mô hình này tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhân rộng và lan tỏa sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, các tầng lớp hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn toàn thành phố nói chung, huyện Sóc Sơn nói riêng sẽ góp phần tích cực giải quyết vấn đề nan giải trong xử lý môi trường, xử lý rác tại khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn, giảm thiểu tối đa lượng rác đổ ra môi trường, khắc phục được tình trạng ùn ứ, quá tải của bãi rác tập trung của thành phố.

Đỗ Hương

Top