Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu

07/07/2020 1:29 PM

(Chinhphu.vn) - Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu được triển khai thực hiện nhằm góp phần bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trong mùa mưa bão, dịp lễ, Tết cuối năm 2020 và các thời điểm dịch bất thường xảy ra, đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu.

Ảnh minh họa

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020. Theo đó, các nhóm hàng tập trung bình ổn giá cần có những tính chất thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân thành phố; nhạy cảm về cung-cầu, giá cả, tuy nhiên, Thành phố khó chủ động về số lượng và nguồn hàng cung ứng một cách ổn định;

Các mặt hàng lương thực thực phẩm cân đối cung-cầu tại chỗ trên địa bàn Thành phố còn thiếu phải khai thác thu mua ở thị trường ngoài Thành phố; những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp lễ, Tết Nguyên đán và đặc biệt cần thiết trong các thời điểm có dịch bệnh, thiên tai xảy ra...

Cùng với đó, Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển mạng lưới điểm bán hàng cố định tại các chợ dân sinh, khu dân cư, trường học, bệnh viện... theo nhiều mô hình như hợp tác liên kết, bán đại lý, cửa hàng tiện lợi, các điểm bán hàng ATTP tại các quận, huyện, thị xã...; đồng thời, tăng cường đẩy mạnh công tác đưa các mặt hàng thuộc chương trình tới các bếp ăn tập thể của các trường học, cơ quan, khu công nghiệp với giá bán và nhận diện thống nhất trong hệ thống của doanh nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới cơ sở thương mại khu vực nông thôn.

Các cơ sở chủ động xây dựng các chương trình khuyến mại nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ các mặt hàng thuộc chương trình để phục vụ người dân có thu nhập trung bình và thấp. Đẩy mạnh tiến độ  đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại (siêu thị, cửa hàng) tại địa bàn nông thôn. Khuyến khích các cơ sở cùng tham gia chương trình hợp tác, liên kết với nhau nhằm tạo chuỗi cung ứng hàng hóa, ổn định giá bán và mở rộng danh mục hàng hóa bình ổn tại các điểm bán hàng đã đăng ký.

Hàng hóa tham gia chương trình phải bảo đảm về chất lượng, ATTP, nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá.

Để nâng cao hiệu quả chương trình, ngành Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với một số bộ, ngành liên quan dự báo tình hình thị trường, giá cả hằng tháng; đồng thời, mở rộng đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp trên cả nước để bảo đảm nguồn cung, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật trên toàn lãnh thổ Việt Nam đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia, chấp hành các quy định của chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan. Tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của chương trình và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thành phố sẽ tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố để khai thác hàng hóa, chủ  động nguồn cung; tổ chức hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, tiêu thụ nông sản tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố…

Thùy Linh

Top