Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Chiều 8/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đến kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại điểm thi Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.
![]() |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức thi tại điểm thi Trường THCS Nam Từ Liêm. Ảnh: Diệp An |
Về phía TP. Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nôi Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng...
Kỳ thi năm nay, Hà Nội có gần 80.000 thí sinh đăng ký dự thi, 143 điểm thi, trong đó có 288 phòng thi dự phòng; hơn 10.000 cán bộ, giáo viên tham gia. Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội đã thành lập 30 đoàn kiểm tra tại tất cả các điểm thi trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc triển khai, duy trì các biện pháp ngăn ngừa dịch COVID-19. Các đơn vị, nhà trường cũng đã thông tin đầy đủ, cụ thể cho phụ huynh, thí sinh nắm được các quy định của kỳ thi, trong đó có việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tại mỗi điểm thi đều có ít nhất 2 phòng thi dự phòng.
Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị tổ chức kỳ thi tại tất cả các điểm thi đã hoàn tất vài ngày trước khi kỳ thi diễn ra.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, qua rà soát Thành phố có 5 thí sinh thuộc diện F2 không tham dự kỳ thi đợt này. Ngoài ra, có 68 thí sinh đi từ vùng có dịch về đang được các địa phương khẩn trương tổ chức xét nghiệm RT-PCR, nếu các thí sinh này có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 thì được dự thi, nhưng được bố trí ở các phòng thi riêng.
Điểm thi Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm có 22 phòng thi với 522 thí sinh và 82 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạo, điểm thi đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như vệ sinh môi trường, phun khử trùng toàn bộ khuôn viên, cơ sở vật chất tại điểm thi; chuẩn bị đầy đủ nước sát khuẩn tay, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang y tế, phòng thi dự phòng...
![]() |
Ảnh: Diệp An |
Sáng nay, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên tại điểm thi đã được phổ biến một lần nữa về Quy chế thi và các nội dung cần lưu ý trong quá trình làm nhiệm vụ nhằm bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn. Tại thời điểm kiểm tra, điểm thi đang tổ chức làm thủ tục dự thi và phổ biến quy chế thi cho các thí sinh. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc. Điểm thi đã tổ chức phân luồng, đo thân nhiệt thí sinh ngay từ cổng trường, đồng thời nhắc nhở thí sinh sử dụng nước sát khuẩn tay, đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm thủ tục dự thi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương cần rà soát và chủ động các phương án phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh trong thời gian thi.
Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội và các địa phương trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi, trong đó nhiều việc phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao công tác chống dịch tại Hà Nội chu đáo, đầy đủ như có phòng thi dự phòng, phòng y tế với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để chống dịch.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các địa phương cần tiếp tục cập nhật, rà soát tình hình sức khỏe của thí sinh đến tận ngày thi để kịp thời phát hiện các trường hợp F1, F2 và thông báo để các em tham dự kỳ thi ở đợt sau. Bộ GD&ĐT đã có phương án cho các trường hợp thí sinh dự thi ở đợt sau nhằm bảo đảm an toàn và công bằng.
Vì kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương quan tâm bảo đảm các điều kiện tổ chức thi an toàn và nghiêm túc; nâng cao trách nhiệm của cán bộ coi thi và giám sát để ngăn chặn, phát hiện các hành vi gian lận, đặc biệt là gian lận công nghệ cao. Trong những ngày diễn ra kỳ thi, lãnh đạo các địa phương phải thường xuyên túc trực để nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý các tình huống bất thường; ngay sau khi kết thúc kỳ thi, các địa phương cần chuẩn bị đủ về nhân lực và trang thiết bị để chấm thi bảo đảm tiến độ, đúng quy chế, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, gian lận.
Bên cạnh đó, Hà Nội và các địa phương cần quan tâm triển khai công tác coi thi nghiêm túc, dù hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện đúng Quy chế thi.
Diệp An