Buôn lậu, gian lận thương mại luôn là vấn đề ‘nóng’

04/04/2019 10:23 AM

(Chinhphu.vn) - Riêng trong tháng 3/2019, lực lượng chức năng Thành phố đã xử lý gần 800 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Con số này cho thấy, buôn lậu, gian lận thương mại vẫn luôn là vấn đề “nóng”, đòi hỏi các lực lượng chức năng luôn phải đấu tranh quyết liệt.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc. Ảnh: Thùy Linh

Xử lý gần 800 vụ buôn lậu, gian lận thương mại

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho thấy, trong tháng 3/2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra 789 vụ; xử lý 612 vụ. khởi tố 2 vụ đối với 5 đối tượng. Trong đó, số vụ liên quan đến hàng cấm, hàng lậu là 72 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là 11 vụ và gian lận thương mại là 529 vụ với tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu lên tới hơn 140,6 tỷ đồng.

Về phía Công an Hà Nội, trong tháng 3, lực lượng này đã chỉ đạo lực lượng công an Thành phố, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên địa bàn Thành phố, Tập trung đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm ATTP... đã xử lý 57 vụ, phạt hành chính 724 triệu đồng và truy thu thuế hơn 11,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, lực lượng Quản lý thị trường cũng tập trung mạnh vào việc xtriển khai nhiệm vụ trong công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; chống các hành vi kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng cấm và gian lận thương mại; kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ động, thực vật hoang dã; tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.

Chỉ đạo các Đội QLTT phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tích cực chủ động kiểm tra, kiểm soát, triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhằm phát hiện, ngăn chặn lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cử cán bộ, công chức tham gia các chốt kiểm dịch tại địa phương nhằm phòng, chống lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

Kết quả, trong tháng 3, lực lượng này đã xử lý 109 vụ, phạt hành chính với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu và hàng buộc phải tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 1,9 tỷ đồng.

Giám sát chặt chẽ các mặt hàng trọng điểm

Ông Chu Xuân Kiên, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội) cho biết, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng... vẫn còn xảy ra trên địa bàn Thành phố. Trong đó, vi phạm tập trung chủ yếu vào các nhóm mặt hàng nhừ thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử,...

Theo ông Kiên, việc đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận vẫn còn không ít khó khăn do các đối tượng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại thường sử dụng các thiết bị công nghệ cao, luôn đối phó với các lực lượng chức năng để tẩu tán hàng hóa khi bị kiểm tra, bắt giữ.

Bên cạnh đó, các điều kiện về phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát còn thiếu, chưa đáp ứng với tình hình hiện nay. Tình trạng kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên mạng điện tử gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, giữ ổn định thị trường, giá cả hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố phát triển ổn định trong năm 2019, Ban Chỉ đạo 389/TP sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại theo chuyên ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; xác lập các chuyên án, kế hoạch tập trung vào những đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu cầm đầu;

Chú ý quản lý, giám sát chặt chẽ đối với một số mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, chất cấm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc và một số hàng hoá có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Cùng với đó, thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp, chia sẽ thông tin giữa các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Y tế, Nông nghiệp…), giữa các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo 389/TP với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tích cực tham gia phong trào phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thành phố.

Thùy Linh

Top