Bứt phá mạnh mẽ về môi trường kinh doanh qua chỉ số PCI

05/04/2019 4:46 PM

(Chinhphu.vn) - Theo bảng xếp hạng PCI mới công bố, Hà Nội xếp ở vị trí 9/63 tỉnh, thành, nằm trong top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu. Đây là vị trí cao nhất của Hà Nội trong các năm qua, cho thấy Hà Nội đã có bứt phá mạnh mẽ về môi trường kinh doanh.

Theo Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, Hà Nội lần đầu tiên có mặt trong danh sách 10 tỉnh, thành có điểm PCI cao nhất, đứng vị trí thứ 9, với 65,4 điểm. Theo đó, Hà Nội đã đạt 3 cái “lần đầu tiên”, đó là thứ hạng cao nhất từ trước tới nay; lần đầu tiên vượt được TPHCM trong bảng xếp hạng và lần đầu tiên lọt danh sách 10 tỉnh, thành được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành. Thành công này đến từ sự vận hành hiệu quả của bộ máy chính quyền, khẳng định vai trò của người đứng đầu hệ thống chính trị và chính quyền Hà Nội.

Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, chỉ số PCI của Hà Nội tăng bậc liên tiếp và tăng 42 bậc trong 6 năm so với năm 2012 (từ vị trí 51 năm 2012 lên vị trí thứ 9 năm 2018) và về  đích trước 2 năm so với mục tiêu Thành phố đã  đề ra từ năm 2017 (mục tiêu top 10 vào năm 2020).

Để đạt được kết quả Hà Nội trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI là cả một quá trình dài, bền bỉ và kiên định với nhiều cung bậc cảm xúc. “Đó cũng nhờ với sự đồng hành, ủng hộ của các ban ngành đoàn thể, các doanh nghiệp”, ông Quyền nói.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, Chủ tịch Thành phố đã trực tiếp chỉ đạo kêu gọi đầu tư, tiếp xúc với các Tập đoàn lớn, chỉ đạo thực hiện giải quyết các thủ tục nhanh chóng cho các nhà đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin…

Về cải cách thủ tục hành chính, TP đã thông qua phương án đơn giản hóa đối với 61 TTHC thuộc 7 lĩnh vực quản lý nhà nước; sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều thủ tục; tỷ lệ đơn giản hóa đạt trên 23,3%. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành quy định về việc thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã có cung ứng dịch vụ công; ban hành bộ TTHC lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, trong đó cắt giảm thời gian giải quyết đối với 48/152 thủ tục (đạt tỷ lệ 31,5%).

Bên cạnh đó, Hà Nội đã có bước chuyển rõ rệt về chất lượng của bộ phận một cửa trong đăng ký doanh nghiệp. Có 71% doanh nghiệp tại Hà Nội đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn (năm 2017 là 57%); 86% cho biết cán bộ nhiệt tình, thân thiện (năm 2017 là 53%). Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 3 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động đã giảm mạnh từ 17% của năm trước đó xuống còn 5% trong năm vừa qua. 2018 là năm Hà Nội đẩy mạnh đối thoại doanh nghiệp ở cấp huyện, thị, do vậy những vướng mắc, bức xúc của doanh nghiệp đã có kênh giải toả khá hiệu quả.

Lãnh đạo Thành phố cũng luôn theo sát diễn biến đời sống doanh nghiệp, đưa ra những kế hoạch, công tác cụ thể để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp một cách thực chất. Kết quả điều tra PCI về Hà Nội cũng phản ánh phần nào đánh giá của doanh nghiệp về vấn đề này.

Thoát khỏi nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu”

Đánh giá về sự vươn lên vượt bậc của Hà Nội trong chỉ số PCI năm 2018, ôngVũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là thứ hạng cao nhất mà Hà Nội có được từ trước đến nay, đã đưa Hà Nội vượt khỏi nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu”, nay có thể thay bằng bài hát đã đi vào trái tim người dân Việt Nam đó là “Hà Nội niềm tin và hy vọng”.

“Tôi nghĩ rằng, Hà Nội đang dẫn đầu trong qua trình cải cách của Việt Nam. Hà Nội lần đầu tiên vượt TPHCM trở thành thành phố dẫn đầu trong 4 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Mặc dù Hà Nội là 1 trong 10 thành phố có năng lực cạnh tranh thấp nhất nhưng Hà Nội lại dẫn đầu trong 4 thành phố lớn nhất, 4 đầu tàu kinh tế của Việt Nam và hướng tới một tầm nhìn trở thành một thành phố có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN trong thời gian tới”, ông Lộc nhấn mạnh.

Có thể thấy, để có được thành quả này là nhờ sự thông thoáng của mội trường kinh doanh. Thực tế, trong những năm qua Hà Nội đã có những nỗ lực để đồng bộ trong nhiều hoạt động. Những thành quả đi đầu của Thành phố là xây dựng thành công chính quyền điện tử. Hà Nội cũng đã có nỗ lực về cải cách hành chính trong kinh doanh. Phát huy được vai trò của các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp. Hà Nội đã có những kế hoạch phát triển thành phố thông minh cũng như những dự án chiến lược khác trong những lĩnh vực nhà đầu tư quan tâm. 

Ông Lộc cho rằng, việc xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư rất chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiệu quả, là những yếu tố quan trọng tạo nên hình ảnh Thủ đô đẹp hơn, thân thiện hơn với các nhà đầu tư trong vào ngoài nước.

Kết quả Chỉ số PCI năm 2018 của thành phố Hà Nội với vị trí cao nhất từ trước đến nay là rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số thành phần như chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chỉ số thiết chế pháp lý, chỉ số tính minh bạch vẫn còn bị xếp hạng thấp, đòi hỏi thời gian tới thành phố cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để có chuyển biến mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI. Mục tiêu là đến năm 2020, Hà Nội giữ được vị trí thứ 5 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI.

Thùy Linh

Top