Các hoạt động văn hóa mừng Tết Nguyên Đán ở Hà Nội

06/01/2020 5:01 PM

(Chinhphu.vn) - Cùng với Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 18/1 đến 5/2/2020 (tức từ 24 tháng Chạp Kỷ Hợi đến 12 tháng Giêng Canh Tý), chương trình "Tết Việt 2020" với chủ đề "Nét bút ngày Xuân" sẽ bắt đầu từ ngày 17/1 là hoạt động đón Xuân hứa hẹn mang đến không khí đón Xuân cho người dân Thủ đô.

Dự kiến, sự kiện bắt đầu với lễ ông Công, ông Táo mở ra chuỗi hoạt động trải nghiệm không khí lễ hội ngày Xuân kéo dài đến hết ngày 2/2 (tức mùng 9 tháng Giêng Âm lịch). Theo đó, nhiều nghi thức truyền thống được tái hiện, như: Lễ phất thức; lễ dựng cây Nêu; lễ dâng hương khai Xuân… Công chúng và du khách sẽ được trải nghiệm không gian chợ Tết, tìm về Tết xưa qua các trò vui dân gian: Viết câu đối, làm hoa Tết, ghép tranh vải, nặn tò he…, thưởng thức các tiết mục múa rối nước đặc sắc.

Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình chính là không gian trưng bày nhà nho với văn phòng tứ bảo "Giấy, mực, bút, nghiên" cùng nhiều câu đối mang ý nghĩa sâu sắc, những lời hay ý đẹp được thể hiện qua nghệ thuật thư pháp tài hoa, gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, đỗ đạt, thịnh vượng của mọi người trong năm mới. Không gian sắp đặt ngoài trời tại Hoàng Thành được thể hiện một cách biến hóa, bay bổng bằng nhiều cụm trang trí nổi bật với nón, đèn lồng, chong chóng, câu đối và chữ viết. Tại khu vực Điện Kính Thiên còn tổ chức trưng bày hai chuyên đề: "Vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc trong lịch sử trị vì tại Hoàng thành Thăng Long" và "Rồng - vương triều, uy quyền" nhằm hệ thống những tư liệu lịch sử, giới thiệu khái quát về các triều đại phong kiến nối tiếp nhau tạo nên một Kinh thành Thăng Long kỳ vĩ, một trung tâm quyền lực tồn tại lâu dài trong lịch sử…

Cũng trong dịp Xuân mới năm nay, không gian Hoàng thành Thăng Long cũng được tổ chức nhiều tiểu cảnh, vườn hoa rực rỡ. Cụ thể, khu vực Đoan Môn sẽ thêm phần nổi bật với cụm trang trí từ hoa sắc pháo, hoa hướng dương, hoa cúc... Khu vực điện Kính Thiên được trang trí bằng các loại cây ăn quả và nhiều loài hoa mang thể hiện vẻ quyền quý, như: Lan, trà, mẫu đơn, hồng cổ… Khu vực Hậu Lâu tạo cảnh vườn hoa Xuân đa sắc với đào, mai, hồng…

Là hoạt động thường niên, Hội chữ Xuân tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành sự kiện văn hóa không thể thiếu khi Tết đến, Xuân về ở Thủ đô Hà Nội. Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 có chủ đề “Thành Đức”, xuất phát từ ý nghĩa rèn đức, luyện tài trong giáo dục. Hội chữ thu hút 52 ông đồ viết thư pháp Hán - Nôm và Quốc ngữ, là các nhà thư pháp nổi tiếng do Trung tâm mời tham dự; những ông đồ có 3 năm liên tiếp tham gia hội chữ và các đối tượng vượt qua vòng khảo tuyển của năm nay. Các ông đồ sẽ cùng tham gia viết chữ tại không gian Hồ Văn, trình diễn thư pháp cũng như quảng bá văn hóa thông qua truyền thống hiếu học của dân tộc.

Bên cạnh hoạt động cho chữ ngày xuân, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 còn có các không gian tôn vinh, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, không gian diễn xướng nghệ thuật dân gian quan họ, ca trù, hát xẩm, chầu văn..., thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm trò chơi truyền thống bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, đập niêu đất, nhảy sạp, kéo co…

Theo tin từ Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, hiện Ban quản lý đang gấp rút hoàn thành trưng bày “Thắp lửa niềm tin” và triển lãm “Tự hào 90 năm Đảng bộ thành phố Hà Nội” sẽ mở cửa vào ngày 10/1 tới đây nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020).

Bên cạnh hoạt động trưng bày, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò còn tổ chức các buổi gặp gỡ những nhân chứng lịch sử là đảng viên được kết nạp và sinh hoạt trong tổ chức Đảng được thành lập tại các Nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, Phú Quốc...

Cùng ngày, cũng sẽ diễn ra triển lãm “Tự hào 90 năm Đảng bộ thành phố Hà Nội” gồm 2 nội dung chính: Vượt qua bão táp và Hà Nội - Trên con đường đổi mới tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Trong tháng 1/2020, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra chuỗi sự kiện mang chủ đề “Xuân vùng cao”. Chuỗi sự kiện “Xuân vùng cao” tái hiện lễ giải hạn đầu năm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên - một phong tục, tín ngưỡng dân gian độc đáo, cầu mong năm mới an lành, mọi việc hanh thông, thuận lợi; nghi thức “Lẩu Then” và khúc hát ngày xuân - loại hình văn hoá, văn nghệ đặc sắc, là một phần tâm linh trong đời sống xã hội của nhiều dân tộc thiểu số.

Cũng trong sự kiện, du khách được trải nghiệm hoạt động trang trí, đón tết tại các làng dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, RagLai, Xơ Đăng...; tham gia ngày hội “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết”, các hoạt động tâm linh chúc phúc đầu năm mới và “Bát hội đầu xuân”.

Minh Anh

Top