Các quận, huyện tích cực tuyên truyền chương trình OCOP

23/10/2019 6:22 PM

(Chinhphu.vn) - Với hàng nghìn làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản cấp quốc gia, cấp vùng miền..., Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) hiện đang được Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai tại các quận, huyện.

Chiều ngày 21/10, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” thành phố Hà Nội cho lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các xã, phường trên địa bàn.

Triển khai chương trình OCOP, thị xã Sơn Tây đã ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2030”; chỉ đạo đơn vị tư vấn giúp các địa phương, hộ sản xuất kinh doanh hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng thẩm định OCOP xét duyệt, phấn đấu trong năm 2019 thị xã có từ 3 - 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Theo đó, một số sản phẩm của thị xã tham gia chương trình OCOP của thành phố như: sản phẩm gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi, bánh chè xanh của xã Đường Lâm; mít ta của xã Sơn Đông; bưởi, chè xanh của xã Cổ Đông; mật ong, sữa bò tươi của xã Kim Sơn; đà điểu, lợn rừng của xã Thanh Mỹ; dưa các loại của xã Xuân Sơn và sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi của phường Phú Thịnh. Khi chủ cơ sở sản xuất đăng ký tham gia chương trình, thành phố sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ để các sản phẩm trở thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Chiều 22/10, quận Hà Đông phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội tổ chức hội nghị tuyên truyền, triển khai chương trình mỗi địa phương một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2010.

Ngày 23/10, quận Đống Đa phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cùng ngày, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới TP Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Tại các hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu những nội dung cơ bản của chương chình OCOP như tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình OCOP; cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển Chương trình OCOP; Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm được Trung ương ban hành trong chương trình OCOP…

Chương trình OCOP tập trung vào một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu thuộc các nhóm sản phẩm như: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Theo kế hoạch, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một sản phẩm tổ chức phát triển sản xuất theo chương trình OCOP đạt quy mô hàng hóa, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành khác…

Chương trình mỗi xã môt sản phẩm (viết tắt là OCOP) được Thủ tướng chính phủ phê duyệt từ tháng 5/2018. Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý.

Theo bà Hoàng Thị Huyền - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, hiện thành phố Hà Nội có khoảng 7.200 sản phẩm, tương thích với 6 nhóm ngành hàng Chương trình OCOP, bao gồm: 2.881 sản phẩm thực phẩm (39,9%); 2.417 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí (33,5%); 1.396 sản phẩm vải và may mặc (19,3%)...

Hà Nội triển khai muộn hơn so với các tỉnh, thành phố khác, nên dự kiến nâng cấp các sản phẩm hiện có để đạt "sao" theo quy định. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đưa 1.000 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Thành phố sẽ hỗ trợ các nhóm hàng nông sản xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tổ chức diễn đàn kết nối giao thương; đồng thời, tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ và các hộ dân tham gia chương trình…

Minh Anh

Top