Cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm: Cần thiết nhưng phải thận trọng

18/02/2017 7:30 PM

(Chinhphu.vn) - Với hiện trạng môi trường hồ Hoàn Kiếm đang rơi vào tình trạng lớp bùn lắng đọng ngày càng dày, thậm chí có nguy cơ trở thành bãi lầy…, hơn lúc nào hết Hà Nội cần tìm ra một phương án tổng thể phù hợp để giải quyết tình trạng này nhưng cũng cần phải thận trọng.

Sự cần thiết phải cải tạo

Hồ Hoàn Kiếm còn gọi là Hồ Gươm, lâu nay vẫn được biết đến như trái tim, biểu tượng lịch sử, văn hoá của Thủ đô Hà Nội. Ngoài những giá trị về tâm linh, văn hoá, hồ còn giữ chức năng điều hoà khí hậu cho khu vực, trữ nước mưa. Hồ có diện tích 12 ha, đã được kè đá xung quanh và bịt tất cả các miệng cống thoát để tách hoàn toàn khỏi nước thải sinh hoạt, sản xuất từ khu vực xung quanh. Mực nước hồ đo tại thời điểm ngày 28/12/2016 là 7,12m, cao độ mặt nước cao nhất đạt 7,8m và mực nước đang giảm xuống, lượng nước bốc hơi khoảng từ 7-8mm/tháng. Hồ vốn có một hệ vi tảo phong phú, trong đó các loại tảo lục, tảo lam có giá trị đặc biệt để tạo nên màu xanh đặc trưng cho mặt nước. Nhưng thời gian qua, bên cạnh tình trạng suy giảm khối lượng, nước hồ đang có dấu hiệu chuyển dần sang màu đỏ do mật độ tảo lớn, xuất hiện nhiều tảo độc. Lòng hồ bồi lắng nhiều phù sa; phạm vi 7m từ chân kè ra có tới 5m đất nền cứng với nhiều gạch đá.

Báo cáo hiện trạng môi trường hồ Hoàn Kiếm của Công ty Thoát nước Hà Nội cho thấy, hồ Hoàn Kiếm đã tách biệt hoàn toàn được với nước thải, song một số nơi đã xuống cấp. Lớp đất sét, lớp bùn lắng dưới đáy hồ ngày càng dày, gây ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật dưới hồ do chứa nhiều kim loại nặng và khí độc.

Nếu không tiến hành nạo vét, nguy cơ hồ Hoàn Kiếm trở thành một bãi lầy. Ngoài ra, mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần, kéo theo hàm lượng ô xy hoà tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau, ảnh hưởng tới sự tồn tại của nhiều động thực vật trong hồ. Hồ đang trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ gấp 2 lần so với quy chuẩn cho phép…

Từ nhiều năm nay, chính quyền và các cơ quan chức năng của Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải tạo môi trường Hồ Hoàn Kiếm như tách nước thải; thử nghiệm nạo vét bùn bằng phương tiện cơ giới; tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học... nhưng phải đến thời điểm này mới có một phương án tổng thể để giải quyết 2 phần việc cấp bách là làm sạch lòng hồ và xử lý ô nhiễm nước.

Phương án do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xây dựng và được đưa ra tham vấn ý kiến vào ngày 15/2 vừa qua gồm 3 giải pháp chính là nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ; bổ sung nguồn nước, xả đáy định kỳ để đảm bảo môi trường nước trong sạch, nâng cao khả năng tự “chữa trị” của Hồ; sử dụng chất Redoxy-3C xử lý ô nhiễm nước. Các chuyên gia đánh giá, nếu được thực hiện bài bản, thận trọng và có sự giám sát chặt chẽ, thì đây sẽ là phương án tối ưu, toàn diện nhất cho việc cải tạo môi trường hồ.

Cần tiến hành thận trọng

Các nhà khoa học, nhà quản lý đều nhất trí với chủ trương tiến hành nạo vét, xử lý tình trạng ô nhiễm nước hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, một số nhà khoa học khuyến cáo, phương án cải tạo môi trường hồ phải bảo đảm khắc phục tình trạng ô nhiễm nhưng không phá vỡ hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học tại hồ.

Giải pháp nạo vét bùn nhận được ủng hộ của nhiều chuyên gia, nhưng họ lo lắng hệ sinh thái của hồ bị thay đổi nếu việc này không bảo đảm. "Quan trọng nhất vẫn là bảo tồn hệ sinh thái. Động thực vật ở đáy hồ đã có từ nghìn năm nay, để gây dựng lại không dễ, vì vậy Hà Nội cần bàn bạc rõ hơn về cách làm cụ thể", TS Bùi Quang Tề, chuyên gia thủy sản nói.

Theo PGS. TS Hà Đình Đức, hồ Gươm đang sở hữu nhiều chủng tảo đặc hữu, trong đó có tảo lục giúp nước có màu "lục thủy", điểm khác biệt với những hồ ở Hà Nội. Nhưng cũng có loại tảo chứa độc tố nguy hiểm như tảo lam, nên ông đề nghị cần đưa ra biện pháp nạo vét làm ít ảnh hưởng đến sinh vật có lợi cho hồ. "Mất màu xanh lục là mất đi nét đặc trưng của hồ Gươm, nên hạn chế máy móc càng ít càng tốt để tránh những rủi ro cho động thực vật trong hồ", PGS.TS Hà Đình Đức nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, PGS Trần Đức Hạ cho rằng, Hà Nội cần tập trung nghiên cứu kỹ việc cải tạo môi trường nước trước và khi cải tạo cần phải bảo vệ được các thành phần thủy sinh, hệ vi tảo để giữ màu xanh đặc trưng như hiện nay.

“Theo tôi nên lấy nguồn nước gần bờ hồ là tối ưu vì nó có sự tương đồng cao nhất với chất lượng nước hồ”, PGS Trần Đức Hạ nói.

Lo lắng về nguồn nước bổ cập cho hồ, PGS. TS Trịnh Thị Thanh cho rằng: “Việc bổ sung nước vào hồ Hoàn Kiếm mới chỉ đưa ra được một phương án là nước ngầm, theo tôi cần phải thực nghiệm kỹ xem nước ngầm có phù hợp hay sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của tảo trong hồ. Ngoài ra, sau cải tạo cũng cần phải duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, trong đó có những loại gì, tỷ lệ là bao nhiêu cho phù hợp để nhanh chóng khôi phục sinh thái trong hồ, đảm bảo sinh trưởng bền vững”.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng, thời gian cải tạo hồ không cần quá nhanh. Sau khi nạo vét, người dân nên có ý thức gìn giữ môi trường thì mới mong hồ luôn sạch.

Diệu Anh

Top