Cải thiện hạ tầng kinh tế đồng bộ với hệ thống chợ trên địa bàn Thủ đô

12/01/2021 5:02 PM

(Chinhphu.vn) – Thời gian tới, Sở Công Thương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại. Đẩy mạnh đầu tư, cải tạo, cải thiện hạ tầng kinh tế đồng bộ đối với các cụm công nghiệp, hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Linh

Chiều 12/1, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Quản lý nhà nước về công thương năm 2020; triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Công Thương TP. Hà Nội.

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, song ngành Công Thương đã cố gắng nỗ lực hết sức tìm ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, đóng góp vào thành tích chung của Thành phố, thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Theo đó, TP. Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Chương trình Khuyến mại tập trung, Kế hoạch Kích cầu tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ; khai trương các điểm bán Sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố… Đã tập trung đề ra các giải pháp hỗ trợ giảm lượng hàng tồn kho, thúc đẩy tăng chỉ tiêu xuất khẩu. Tổ chức các sự kiện mới: Made in Việt Nam; Ngày không dùng tiền mặt; Hà Nội đêm không ngủ; Thương mại điện tử xuyên biên giới với Amazon, Alibaba, Google,…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp về các nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất và một số sản phẩm chống dịch COVID-19 do Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại các nước cung cấp; đăng tải thông báo kịp thời đến các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cập nhật chính sách mới của Chính phủ, Bộ Công Thương; thông tin tình hình xuất nhập khẩu tại cửa khẩu các tỉnh biên giới do Sở Công Thương các tỉnh cung cấp.

Phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức mới trong điều kiện dịch COVID-19 như: Phối hợp tổ chức khóa học trực tuyến (Online) về cam kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu (EVFTA); phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương tổ chức Chương trình giao thương trực tuyến giữa với các doanh nghiệp mua hàng Trung Quốc (Quảng Tây)…

Nhờ đó, năm 2020, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2020 tăng 6,39% so với năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2020 trên địa bàn tăng 4,7% so với năm trước (năm 2017 tăng 8,01%; năm 2018 tăng 7,29%; năm 2019 tăng 8,45%).. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 3.060,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 584,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm trước…

Đặt nhiệm vụ cho năm 2021, ngành Công Thương Hà Nội phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9% (cao gấp hơn 1,8 lần năm 2020); kim ngạch xuất khẩu tăng 5% (cao gấp gần 2,8 lần năm 2020); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7%-8% (gấp gần 3 lần năm 2020); tỷ lệ cụm công nghiệp cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đạt 95%;…

Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tặng bằng khen của UBND TP. Hà Nội cho các tập thể và cá nhân của Sở Công Thương. Ảnh: Thùy Linh

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà Sở Công Thương đã đạt được trong năm 2020 và những nhiệm vụ, giải pháp mà Sở đề ra trong năm 2021. Đồng thời, đề nghị Sở Công Thương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt việc xây dựng Kế hoạch, thực hiện hiệu quả năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” gắn với các chương trình công tác trọng tâm của Thành phố, 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy và các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố giao cho ngành. Tiếp tục tập trung mục tiêu kép, vừa bảo đảm phòng chống đại dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch Thành phố cũng đề nghị Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương như đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại. Đặc biệt là phải đôn đốc các chủ đầu tư khởi công xây dựng các cụm công nghiệp đã được UBND Thành phố thành lập trong 2 năm qua. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại. Đẩy mạnh đầu tư, cải tạo, cải thiện hạ tầng kinh tế đồng bộ đối với các cụm công nghiệp, hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố.

Đề nghị Sở Công Thương thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước; tham mưu các giải pháp để tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn. Triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến công trên địa bàn Thành phố. Thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại hiện đại, thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ động rà soát các quy hoạch ngành công thương gắn với quy hoạch xây dựng chung Thủ đô, quy hoạch vùng huyện;…

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Sở Công Thương Hà Nội; bằng khen của UBND TP. Hà Nội tặng cho các tập thể và cá nhân của Sở Công Thương.

Thùy Linh

Top